Hậu Giang thay đổi nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ghe hoa trên dòng kênh thuộc xã Vĩnh Viễn, huyện Long Vỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương
Ghe hoa trên dòng kênh thuộc xã Vĩnh Viễn, huyện Long Vỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương

Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đến các cấp, ngành, nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về ý nghĩa, mục đích, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình và kế hoạch thực hiện ở địa phương nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân. Tỉnh tôn vinh doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong quá trình thực hiện Chương trình trên địa bàn...

Hậu Giang huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án, chính sách khác. Đặc biệt là huy động nguồn nội lực không trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên.

Hậu Giang thay đổi nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Ghe hoa trên dòng kênh thuộc xã Vĩnh Viễn, huyện Long Vỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương

Tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai và minh bạch. Cùng với đó, tỉnh bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, chính sách dân tộc các cấp nhằm đảm bảo có đủ phẩm chất, năng lực thực tiễn, nhiệt tình và trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hậu Giang đề ra mục tiêu đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giảm từ 2-3%; có 90% người dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phấn đấu có 50% ấp, khu vực có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, chất lượng. Hậu Giang đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.

Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Hậu Giang chiếm 3,9% so với dân số toàn tỉnh (hơn 7.500 hộ với trên 30.500 người). Toàn tỉnh có gần 1.500 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh sống xen kẽ nhau là chủ yếu, phần lớn người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Hồng Dân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm