Hậu Giang tập trung thực hiện hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia

Sản xuất hoa màu tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Sản xuất hoa màu tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Theo ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, tỉnh tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đến năm 2023 của các chương trình, chính sách dân tộc thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Hậu Giang tập trung thực hiện hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1 Sản xuất hoa màu tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Tỉnh đề ra các chỉ tiêu chủ yếu như phân bổ và chỉ đạo tổ chức thực hiện, giải ngân đạt từ 100% kế hoạch vốn ngân sách thực hiện Chương trình. Các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương vùng dân tộc thiểu số tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, hoàn thành 100% chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra đối với các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình được giao quản lý, phù hợp với quy mô nguồn vốn được giao trong năm.

Đồng thời, Hậu Giang đẩy mạnh công tác giảm nghèo; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh từ 2% trở lên và đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là từ 3% trở lên.

Tỉnh sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động thêm các nguồn lực khác để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, duy trì 100% số xã trong vùng có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho 2 xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hậu Giang thực hiện một số giải pháp chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Tỉnh tăng cường huy động các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Hậu Giang đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của Chương trình đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người dân tộc thiểu số nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2022 là hơn 22 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 14 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển hơn 9 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 5 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh hơn 2 tỷ đồng...

Tỉnh Hậu Giang có gần 8.000 hộ với hơn 30.000 người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 3,9% so với dân số toàn tỉnh. Hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là gần 1.500 hộ, chiếm 19,22% so với hộ dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh Hậu Giang sống xen kẽ nhau và phần lớn bà con sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi trong tỉnh vẫn còn thấp kém do điểm xuất phát thấp. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, trình độ dân trí và nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, việc dạy và học chữ dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Bên cạnh đó, tại Hậu Giang, việc tổ chức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc một số nơi chưa quan tâm đúng mức, một số loại hình văn hóa - nghệ thuật bị mai một; tình hình chăm sóc sức khỏe, khám điều trị bệnh, vệ sinh môi trường ở một số nơi vùng dân tộc chưa tốt. Công tác quy hoạch đào tạo cán bộ là người dân tộc ở một số ngành, địa phương của tỉnh chưa quan tâm đúng mức…

Hồng Dân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm