Hậu Giang có nhiều biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu

Hậu Giang có nhiều biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Hậu Giang đã có nhiều biện pháp như xây dựng các công trình phòng chống xâm nhập mặn, cải tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, điều chỉnh cơ cấu canh tác phù hợp với điều kiện thời tiết và khí hậu, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.

Hậu Giang có nhiều biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu ảnh 1Hiện trường vụ sạt lở vào sáng 15/6/2023 tại khu vực 6, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang). Ảnh: TTXVN

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thiên tai, địa phương đã thực hiện các giải pháp như đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi theo quy hoạch các tiểu vùng; trong đó, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao, bờ bao, kết hợp với đầu tư hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt để chủ động trong sản xuất; xây dựng hoàn thiện dự án Hồ nước ngọt giai đoạn 2 và các dự án nạo vét các tuyến sông, kênh rạch phục vụ vùng sản xuất.

Cùng đó, tỉnh thi công các công trình kè chống sạt lở tại các đoạn sông, kênh thường xuyên xảy ra sạt lở; ứng dụng, nhân rộng các mô hình kè sinh thái vật liệu địa phương, kè mềm khắc phục sạt lở. Tỉnh từng bước chủ động tưới tiêu bằng các trạm bơm điện, hình thức và quy mô đáp ứng với sự thay đổi dòng chảy bất thường có thể xảy ra; huy động máy bơm nước ngọt từ các kênh trục vào dự trữ tại các kênh nội đồng để tưới bổ sung cho lúa khi cần thiết.

Cũng theo ông Trần Thanh Toàn, các công trình đê bao, cống ngăn mặn, hồ nước ngọt đã giúp tỉnh chủ động trong việc quản lý nước ngọt, ngăn chặn xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt. Điều này đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lúa, cây ăn trái và thủy sản.

Các công trình kè chống sạt lở, kè sinh thái đã địa phương giúp ổn định bờ sông, kênh rạch, bảo vệ đất đai và tài sản của người dân. Điều này đã góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững trên các vùng ven sông.

Hậu Giang có nhiều biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu ảnh 2Sản xuất rau màu tại phường 3, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Đối với các công trình tưới tiêu bằng các trạm bơm điện, máy bơm nước ngọt đã giúp tăng cường khả năng tưới tiêu cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như lúa giống, lúa chất lượng cao, cây ăn quả, thủy sản; góp phần tăng giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích canh tác.

Ông Bùi Quốc Thịnh ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ cho biết, trước đây việc đi lại của người dân vùng này gặp rất nhiều khó khăn vì không có đường giao thông, chủ yếu di chuyển bằng ghe, xuồng. Hàng năm, người dân lo mặn xâm nhập từ Biển Tây theo sông Cái Lớn dẫn vào sông Nước Ðục. Thiệt hại nặng nhất là vào năm 2016, nồng độ mặn có nơi gần 20 phần nghìn. Từ năm 2019, khi dự án đê bao Long Mỹ-Vị Thanh hoàn thành, đưa vào sử dụng, người dân ai cũng rất vui mừng, sản xuất nông nghiệp được an toàn.

Theo ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, việc chủ động đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, tuyến sông Ngan Dừa, tiếp giáp với huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đã có hệ thống cống ngăn mặn, còn tuyến sông Nước Ðục đã có tuyến đê bao Long Mỹ-Vị Thanh. Riêng tuyến sông Nước Trong nếu được đầu tư hệ thống đê bao sẽ bảo đảm ngăn mặn phục vụ cho gần 10.000 ha đất sản xuất, khi đó sẽ giúp khép kín hoàn toàn diện tích đất sản xuất của huyện.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, hiện nay, công trình xây dựng dự án Hồ nước ngọt ở huyện Vị Thủy (giai đoạn 2) đang hoàn thiện đưa vào khai thác. Với lượng nước được trữ trong hồ khoảng 1,8 triệu m3, sẽ giúp Hậu Giang chủ động thực hiện kế hoạch hành động và ứng phó với nước biển dâng, xâm nhập mặn, cung cấp nguồn nước mặt bảo đảm chất lượng thường xuyên cho các nhà máy xử lý nước sạch của tỉnh và bảo đảm nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 260 nghìn dân thuộc thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, các huyện Long Mỹ, Vị Thủy và Châu Thành A. Ngoài ra, các dự án nạo vét các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh phục vụ vùng sản xuất cũng được quan tâm đầu tư.

Song song đó, Hậu Giang đang triển khai dự án nạo vét kênh trục. Dự án này có tổng kinh phí thực hiện khoảng 320 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, tỉnh sẽ nạo vét kênh trục Nàng Mau 2 với chiều dài khoảng 28 km; nạo vét kênh trục Hậu Giang 3 với chiều dài khoảng 43,7 km; xây mới 21 cống điều tiết nước trên tuyến Nàng Mau 2.

Cùng với hệ thống thủy lợi hiện có, dự án này sẽ giúp tăng khả năng dẫn nước ngọt, trữ nước ngọt tạo nguồn để cấp cho khoảng 22.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong vùng, cải thiện giao thông đường thủy. Tất cả đang góp phần quan trọng để tỉnh Hậu Giang thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; phù hợp với Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.Hậu Giang là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long phải chịu nhiều tác động và ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng mực nước biển dâng. Biến đổi khí hậu gây ra nhiều thay đổi cho tình hình canh tác nông nghiệp và cơ cấu sử dụng đất của tỉnh, gây khó khăn trong việc sản xuất theo hướng ổn định, bền vững.

Tại Hậu Giang, nước biển dâng làm xâm nhập mặn vào các vùng như Long Mỹ, Vị Thanh, Châu Thành và sông ngòi, gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Xâm nhập mặn làm giảm diện tích canh tác lúa và các cây trồng khác, gây thiệt hại về năng suất và chất lượng sản phẩm nhiều nơi của tỉnh.

Cùng đó, lượng mưa giảm sút khiến hiện tượng hạn hán kéo dài và thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, làm giảm diện tích canh tác lúa và các cây trồng khác. Nhất là thời tiết thay đổi bất thường, gây ra sạt lở bờ sông, triều cường ngày một nghiêm trọng trên địa bàn, ảnh hưởng đến an toàn của người dân và cơ sở hạ tầng của tỉnh.

Hồng Dân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm