Trải qua hàng ngàn năm, nghệ thuật hát Xoan (tỉnh Phú Thọ) vẫn tồn tại và phát triển, được du khách trong nước và quốc tế đón nhận. Đặc biệt là vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, "Hát Xoan làng cổ" chính là một trong những điểm nhấn quan trọng gắn với du lịch tại vùng đất Vua Hùng.
Theo sử sách ghi lại, hát Xoan đã tồn tại từ thời các vua Hùng dựng nước, hát Xoan được tổ chức vào mùa xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát, mà còn là để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và chúc tụng Vua Hùng.
Từ lâu, hát Xoan đã gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh của đời sống người dân. Tên gọi và nguồn gốc hát Xoan đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước.
Hát Xoan hay còn gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình) bắt nguồn từ hình thức hát thờ các Vua Hùng. Đây là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của nhân dân Phú Thọ. Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân.
“Hát Xoan làng cổ” gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa, nơi phát tích của Hát Xoan và các ngôi đình cổ như: Miếu Lãi Lèn, Đình Thét, Đình An Thái, Đình Hùng Lô thuộc 4 phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ là phường Xoan Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái.
Tại không gian cổ kính của các ngôi đình, miếu, sự linh thiêng đan xen với nét đẹp văn hóa cộng đồng, từ tiếng trống rộn ràng đến lời hát, tay múa, chân đưa uyển chuyển của các nghệ nhân, đào-kép Xoan, tất cả hòa quyện tạo nên một không khí uy nghiêm mà mộc mạc. Mỗi cử động, mỗi giai điệu đều chạm vào tâm thức sâu sắc và lòng thành kính của mỗi người.
Với sự chuẩn bị chu đáo, các phường Xoan cổ sẽ đem đến những trải nghiệm khó quên, tạo ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân và du khách thập phương khi đến với lễ hội Đền Hùng hằng năm.
Năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã xây dựng chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với các tour – tuyến du lịch phục vụ các đoàn khách về tham dự giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hằng năm. Đây cũng chính là tiền đề để xây dựng sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” trong đời sống cộng đồng.
Sau hơn 10 năm xây dựng, đến nay chương trình “Hát Xoan làng cổ” đã góp phần quan trọng trong việc lan tỏa và quảng bá Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hát Xoan tới đông đảo du khách của tỉnh Phú Thọ.
Bên cạnh đó, việc duy trì và quảng bá chương trình “Hát Xoan làng cổ” cũng là nguồn động viên lớn đối với cộng động và các nghệ nhân tại các làng Xoan cổ, khuyến khích họ tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy những giai điệu này cho thế hệ mai sau để hát Xoan Phú Thọ mãi trường tồn với thời gian và phát huy được những giá trị cao quý và thiêng liêng của mình trong dòng chảy hiện đại.
Phương Anh