Ảnh minh họa - TTXVN |
Theo chị Nguyễn Thị Hảo, chủ khách sạn Hùng Phương, muốn có phòng nghỉ ở Cô Tô vào những ngày cuối tuần thì phải đặt trước cả tháng. Khi các khách sạn, nhà nghỉ hết phòng cho thuê, khách du lịch thường lựa chọn hình thức "homestay" - ở trọ nhà dân.
Cô Tô có nhiều tiềm năng và thế mạnh với vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn của những bãi biển dài, nước trong, bờ thoải gắn với cảnh quan của hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn, hoang sơ. Cô Tô cũng là vùng biển được coi là đa dạng sinh học hàng đầu Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Đây cũng là địa bàn phong phú về hải sản với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, bào ngư, hải sâm, cầu gai, cua, ghẹ, cá song, mú, mực, san hô sừng...
Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, nguồn lợi hải sản sẵn có, thì du lịch Cô Tô đi lên từ con số "0". Trước năm 2013, lượng khách du lịch đến với đảo còn khiêm tốn. Từ cuối năm 2012, tỉnh Quảng Ninh quyết định đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để kéo điện lưới quốc gia ra đảo và hơn 70 tỷ đồng xây dựng hồ chứa nước Trường Xuân dung tích khoảng 170 ngàn m3 nước đủ cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân trên đảo. Hệ thống thông tin liên lạc được hoàn thiện, giờ đây Cô Tô đã có sóng wifi miễn phí ở trung tâm huyện để phục vụ nhu cầu của cả người dân và khách du lịch.
Khách du lịch ở đảo Cô Tô. Ảnh: Nguyễn Hoàng - TTXVN |
Chung sức cùng chính quyền, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng vào cuộc xây dựng Cô Tô trở thành điểm du lịch nổi tiếng như ngày nay. Đó là các doanh nghiệp vận tải, đầu tư đóng mới nhiều tàu chở khách cao cấp, an toàn và thuận lợi nhằm rút ngắn thời gian đi lại giữa đất liền vào đảo tiền tiêu này chỉ chừng 1,5 giờ đồng hồ như doanh nghiệp Quang Minh, Mạnh Quang, Ka Long. Kế tiếp đó là các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch, lữ hành. Nhiều nhà hàng, khách sạn bắt đầu được xây mới với chất lượng dịch vụ ngày một nâng cao. Người dân cũng chủ động đầu tư sửa chữa nhà ở, mua sắm lắp đặt các trang thiết bị phòng trọ để đón khách du lịch.
Mô hình du lịch đầu tiên trên đảo này đó là mô hình "homestay", đưa khách du lịch về ở trọ nhà dân. Tiếp đó, các sản phẩm du lịch dần được hình thành như “Một ngày làm ngư dân”, “Hành trình vì biển đảo quê hương”, mở tuyến du lịch đảo Thanh Lân, đảo Trần, Lặn biển ngắm san hô, công viên nước, mô-tô nước ở bãi tắm Hồng Vàn... hấp dẫn du khách./.