Sơ chế vải trước khi vào đóng gói, làm lạnh tại xưởng đóng gói đã được đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ đánh giá đạt chuẩn có thể đóng gói sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN) |
Hiện công ty đang khẩn trương tiến hành các công đoạn cuối cùng để ngày 9/6 chuyển vải đã đóng gói vào Thành phố Hồ Chí Minh chiếu xạ trước khi đưa lên máy bay đến với thị trường mới.
Ngày 7/6, đoàn công tác gồm đại diện doanh nghiệp Rồng Đỏ cùng các chuyên gia Bộ Nông nghiệp Mỹ, doanh nghiệp khách hàng của công ty này tại Australia đã chính thức về hai vùng được cấp mã số vùng trồng để xuất vải thiều đi Mỹ để kiểm tra và chứng kiến việc thu hoạch vải chuẩn bị cho lô hàng đầu tiên sang Mỹ.
Theo ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc công ty Rồng Đỏ, cách đây 3 tháng, công ty đã làm việc với ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và cơ quan kiểm dịch địa phương để chuẩn bị nguồn nguyên liệu đạt chất lượng.
Tính đến thời điểm này, mọi công tác đã được chuẩn bị xong. Công ty có kế hoạch ngày 10/6 sẽ xuất khẩu trên 5 tấn vải thiều đến 2 thị trường, trong đó, đi Mỹ 2 container khoảng 2,2 tấn và đi Australia khoảng 3 container khoảng 3,3 tấn.
Sau khi cùng doanh nghiệp đối tác tại Australia với đại diện cơ quan kiểm dịch Bộ Nông nghiệp Mỹ thăm vùng vải tại xã Hoàng Hoa Thám (Thị xã Chí Linh) và xã Thanh Thủy (huyện Thanh Hà), đại diện doanh nghiệp Rồng Đỏ hồ hởi nhận định vùng nguyên liệu tới thời điểm này đã sẵn sàng, hiện giờ chỉ còn chờ việc kiểm tra sổ ghi chép của người nông dân là có thể để nông dân bắt tay vào thu hoạch.
Ông Mai Xuân Thìn tin tưởng: “Với tình hình hiện nay, hy vọng quả vải thiều sẽ có 1 năm khởi đầu tương đối tốt cho thị trường Australia và Mỹ. Kỳ vọng năm sau sẽ tốt hơn năm nay nhiều."
Để phục vụ cho việc đưa vải thiều xuất ngoại thuận lợi nhất, hiện tại, doanh nghiệp Rồng Đỏ đã đầu tư một xưởng đóng gói ngay tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà. Xưởng có kho lạnh đảm bảo tiêu chuẩn, với công nhân được tập huấn chuẩn quy trình, công suất đóng gói có thể đạt đến 40 tấn/ngày nhưng hiện nay đang hoạt động với khoảng 10 tấn.
Hiện xưởng này đã đạt tiêu chuẩn đóng gói xuất đi Australia. Mỗi ngày xưởng đang đóng gói trung bình 10 tấn đi thị trường này.
Chiều 7/6, sau khi kiểm tra, đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đồng ý chấp nhận chuẩn đóng gói để đi Mỹ. Như vậy, sau khi đóng gói tại đây, quả vải thiều Hải Dương sẽ được chuyển thẳng vào Thành phố Hồ Chí Minh để chiếu xạ trước khi đi Mỹ.
Với việc mở xưởng đóng gói vải tại vùng nguyên liệu, ông Thìn khẳng định việc đóng gói trực tiếp tại vùng nguyên liệu, chất lượng quả vải sẽ tốt hơn, có độ tươi ngon hơn, đồng thời, tiết kiệm được đáng kể chi phí so với việc vận chuyển sản phẩm vào Thành phố Hồ Chí Minh rồi mới đóng gói, chiếu xạ.
“Để quả vải được thị trường Mỹ chấp nhận, việc sản xuất phải đúng cách, thu hoạch đúng cách, chuyển về xưởng và được đóng gói bảo quản đúng cách, làm lạnh nhanh và độ làm lạnh sẽ được đảm bảo phù hợp với từng loại hình vận chuyển bằng đường hàng không hay đường biển.”
Nói về kế hoạch cho những mùa vải tới, Công ty Rồng Đỏ khẳng định đã bàn bạc với địa phương, sau năm nay, với những vụ tiếp theo sẽ chuẩn bị sớm từ 6 tháng trước mùa vải chín, chuẩn bị tốt hơn cả về chất lượng quả vải và chuẩn bị tốt hơn về thị trường.
Ông Thìn cũng khẳng định: “Công ty cam kết mua cho nông dân với giá cao hơn so với giá tốt nhất trên thị trường."
Cùng với thị trường Mỹ, hiện nay doanh nghiệp Rồng Đỏ đang kết nối với một doanh nghiệp đối tác tại Australia. Doanh nghiệp này cũng có mặt trong lần khảo sát vùng nguyên liệu và có đánh giá tốt.
Ông Alex Alexopoulos, Giám đốc kinh doanh công ty đánh giá: “Sau khi tham quan, ăn thử, tôi thấy vải ở đây rất ngon, trái cũng đủ lớn, màu sắc đẹp. Rất phù hợp để chúng tôi bán cho cả thị trường siêu thị và thị trường bán sỉ. Nếu quả vải đạt chất lượng, công ty có thể tiêu thụ đơn hàng khoảng 15-20 tấn/tuần tại thị trường Australia.”
Nhìn những trái vải được doanh nghiệp đến tận vườn thu gom, vận chuyển tới cơ sở đóng gói trước khi “xuất ngoại” người nông dân không giấu nổi niềm vui.
Bà Nguyễn Thị Nụ (thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám, Thị xã Chí Linh) có gần 2ha trồng vải trong đó 1,5ha vải thiều đang sản xuất đúng quy trình VietGAP để xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho biết gia đình bà nói riêng và nhiều hộ nông dân khác đã tuân thủ chặt chẽ các quy trình đúng hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp từ việc chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt không phun những loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục phía Mỹ không cho phép.
Bà Nụ cũng chia sẻ: “Đây là vụ đầu tiên vải thiều Hải Dương sang Mỹ, nhưng sau này, khi đã được thị trường Mỹ, Australia và nhiều nước chấp nhận, chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ đúng các quy trình này để hy vọng quả vải quê mình sẽ ngày càng vươn xa và thu nhập từ cây vải cho người nông dân sẽ ngày càng tốt hơn”./.