Nhằm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó có kinh tế làng nghề, Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng, thế mạnh triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên…
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 1/3 số làng có nghề và làng nghề trên cả nước, đáng chú ý có những làng nghề hơn 1.000 năm phát triển gắn với quá trình hình thành Thăng Long - Hà Nội với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, độc đáo. Để khai thác thế mạnh của các làng nghề phát triển du lịch, Hà Nội đã lên kế hoạch nhằm phát triển tổng thể các làng nghề. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng như hỗ trợ các làng nghề trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.
Với định hướng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế có vai trò quan trọng, huyện Thường Tín đang nỗ lực xây dựng điểm đến có tính chất điểm nhấn cho du lịch với việc quy hoạch làng nghề Duyên Thái, xây dựng các tour, tuyến tới các làng nghề có thế mạnh phát triển du lịch như: làng nghề lược sừng Thụy Ứng, làng nghề mộc Vạn Điểm, làng nghề hoa cây cảnh Hồng Vân, bánh giầy Quán Gánh…
Dựa vào thế mạnh địa phương, huyện Phú Xuyên cũng đã xây dựng được 2 tuyến du lịch làng nghề gắn với hoạt động văn hóa tâm linh: Chuyên Mỹ - Vân Từ - Phú Yên - Quang Lãng, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, Hà Nội đã quy hoạch xây dựng hoàn thiện được 2 điểm du lịch làng nghề nổi tiếng là làng lụa Vạn Phúc ở quận Hà Đông với 51,6 ha, có bố trí điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm, hoàn thiện quy trình làm nên một tấm lụa từ trồng dâu, nuôi tằm đến công đoạn dệt cửi và nghề gốm Bát Tràng ở huyện Gia Lâm để đón du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản phẩm.
Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, Hà Nội còn tập trung triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố cũng như các địa phương, góp phần tạo thành một hệ sinh thái OCOP, để từ đó khai thác, phát triển hoạt động du lịch làng nghề. Hiện tại, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao). Thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Hà Nội còn có 13 cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP được xây dựng trên địa bàn thành phố.
Việc đầu tư bài bản, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề phát triển du lịch chính là hướng phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống. Các tour, tuyến du lịch làng nghề gắn với hoạt động văn hóa tâm linh, lễ hội truyền thống của mỗi địa phương đang góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 73/2022/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch"; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Thành phố phấn đấu mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể là nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh và doanh nghiệp; Hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% người dân, cán bộ quản lý du lịch nông nghiệp tại địa phương. Những chính sách này kỳ vọng thời gian tới du lịch nông nghiệp Hà Nội sẽ bứt phá, giúp người dân phát triển kinh tế.
Thực hiện: Trung Xuân