Triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường của ngành Giáo dục, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về tăng cường xây dựng văn hóa học đường của ngành Giáo dục trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch nhằm xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; tạo chuyển biến mới về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên góp phần phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; xây dựng người Thủ đô yêu nước, nhân ái, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Hà Nội tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa học đường, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ; quan tâm đầu tư tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của mọi thành viên trong cơ sở giáo dục, tạo sự lan tỏa với cộng đồng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các cơ sở giáo dục, tạo nên sự gắn kết hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thông qua việc đổi mới tổ chức các hoạt động; đáp ứng yêu cầu về bảo đảm chất lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức ngành Giáo dục đủ phẩm chất, năng lực, đề cao danh dự, lòng tự trọng, ý chí phấn đấu và khát vọng cống hiến...
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên, UBND thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý đến công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong toàn ngành về vị trí, vai trò của văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa học đường góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử dân tộc trong mỗi nhà trường, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho học sinh triển khai hiệu quả thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên; rà soát, đề xuất kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; rà soát điều chỉnh hoặc bãi bỏ các quy định, các loại chuẩn, tiêu chuẩn cứng nhắc, mang tính hình thức, không phát huy được tính sáng tạo, chủ động ở các cấp cơ sở giáo dục, không còn phù hợp với thực tiễn, dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục…
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học tạo cơ sở để người học cập nhật tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực, hoàn thiện bản thân; đẩy mạnh việc đổi mới dạy và học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, sinh hoạt Đoàn, Đội. Ngành Giáo dục Thủ đô xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giáo dục cho học sinh, sinh viên hình thành năng lực cảm thụ, đánh giá các giá trị văn hóa, truyền thống thông qua các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; có ý thức tiếp thu, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Nguyễn Cúc