Từ ngày 12/6 hơn 93.000 thí sinh của Hà Nội sẽ bước vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2021-2022. Kỳ thi có sự tham gia của hơn 14.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tại 184 điểm thi với gần 4.000 phòng thi.
Diễn ra trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ thi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu, bằng mọi biện pháp phải đảm bảo tổ chức thành công trọn vẹn, an toàn tuyệt đối cho kỳ thi. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Ngay từ đầu tháng 6, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp nghe báo cáo và cho ý kiến về công tác tổ chức kỳ thi. Tại cuộc họp này, Bí thư Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu: Trong mọi tình huống, bằng mọi biện pháp phải tổ chức thành công trọn vẹn và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho kỳ thi. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là người đứng đầu phải vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an toàn, tổ chức thành công kỳ thi.
Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã của thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức bảo vệ an ninh - trật tự, an toàn tại tất cả điểm thi; phân công, bố trí lực lượng phân luồng giao thông; kiểm tra, hướng dẫn phụ huynh học sinh thực hiện phòng dịch theo Thông điệp 5K, tránh để phụ huynh chờ đợi, tụ tập đông người ngoài điểm thi. Học sinh phải thực hiện thật tốt các biện pháp phòng dịch COVID-19 trước, trong và sau kỳ thi. Ban Cán sự đảng UBND thành phố có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kịch bản tổ chức tổng thể, cụ thể đối với từng điểm thi; bao quát toàn diện các vấn đề, nhất là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, cả bên trong và bên ngoài điểm thi.
Ngành y tế được giao trách nhiệm trước pháp luật về việc xét nghiệm và cấp giấy xác nhận ca mắc, các trường hợp F1, F2 để thực hiện chính sách ưu tiên. Thành phố chỉ cho phép tổ chức thi khi các trường đảm bảo đầy đủ các phương án theo quy định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, ngành tuyệt đối không lơ là, chủ quan, càng đến ngày thi, giờ thi càng phải tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát. Việc bảo đảm an toàn và tổ chức thành công kỳ thi này không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe của hàng chục ngàn học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên nhân viên tham gia kỳ thi mà còn bảo đảm an toàn cho cả cộng đồng, duy trì thế trận phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ đô và đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, ngày 4/6, 15 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy đã được kích hoạt trở lại và tiến hành kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã. Thông qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót. Các đồng chí lãnh đạo thành phố đã trực tiếp theo dõi công tác diễn tập, một số đồng chí nhập vai học sinh, giáo viên để nắm bắt tình hình thực hiện, qua đó đã chỉ ra vấn đề cần khắc phục.
Kiểm tra tại huyện Thanh Trì, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến lưu ý, trong ngày thi, các phòng thi cần được mở cửa sổ để bảo đảm thông thoáng. Cán bộ coi thi nhắc thí sinh đeo khẩu trang trong thời gian thi.
Tại quận Đống Đa, sau khi đã trực tiếp kiểm tra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu quận tiếp tục chỉ đạo từng điểm thi, tuyệt đối không được xem nhẹ công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; đặc biệt phải gắn trách nhiệm các thành viên Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn với từng điểm thi.
Kiểm tra tại quận Hoàn Kiếm và huyện Thường Tín, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, yêu cầu cao nhất trong thời điểm này là phòng dịch COVID-19; phải chuẩn bị trên tinh thần bảo đảm tốt nhất các điều kiện để tổ chức thành công kỳ thi. Làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Hai Bà Trưng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chỉ rõ, quận cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận trong phụ huynh và học sinh để kỳ thi diễn ra thành công tốt đẹp.
Từ sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và những lưu ý của đoàn kiểm tra, các quận, huyện, thị ủy đều đã vào cuộc, trực tiếp các bí thư cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Nhiều địa phương đã bố trí các phòng thi dự phòng, tăng cường biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã đã đi kiểm tra, rà soát điều kiện cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi tại các điểm thi.
Trong đó, Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ cho biết, với 7 điểm thi, ngoài 160 phòng thi chính thức, quận đã bố trí 16 phòng thi dự phòng.
Là địa phương có một số ca dương tính với SARS-CoV-2, ngoài việc đổi 2 điểm thi, huyện Đông Anh đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, huyện đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra các điểm thi về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi.
Quận Cầu Giấy rà soát, xây dựng phương án ứng phó với dịch tại 7 điểm thi chính thức, chuẩn bị 5 điểm thi dự phòng, chỉ đạo các trường gần điểm thi mở cửa để phụ huynh vào chờ con. Quận Hà Đông thành lập 2 tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ tại các điểm thi...
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay, Hà Nội đã vững vàng tâm thế và có sự chuẩn bị tốt nhất để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2021-2022.
Theo kế hoạch, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 12-13/6 (thứ Bảy và Chủ nhật) với 4 môn thi. Thời gian làm bài thi các môn đều được rút ngắn lại từ 15 đến 30 phút, tùy từng môn. Trong đó, thời gian thi môn Toán và Ngữ văn là 90 phút/môn; môn Ngoại ngữ và Lịch sử - 45 phút/môn. Các môn thi được sắp xếp vào 2 buổi sáng, mỗi buổi thi 2 môn, giảm một buổi so với kế hoạch trước đó.
Văn Cảnh - Nguyễn Cúc