Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam có cơ chế hỗ trợ 100% phân bón vi sinh theo định mức 4 lít/ha/vụ, tương đương hơn 1,5 triệu đồng/ha/vụ; hỗ trợ theo điểm triển khai, mỗi điểm 25 ha gọn vùng, liền thửa, không lặp lại ở các vụ sau. Tổng diện tích thực hiện năm 2019 là 3.125 ha với lượng phân bón vi sinh là 12.500 lít. Việc triển khai sẽ ưu tiên ở những diện tích đã hình thành tổ hợp tác hoặc hợp tác xã kiểu mới, những nơi đã tích tụ ruộng đất theo đề án của tỉnh, những nơi đã sản xuất thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ông Lại Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết, năm 2017, tỉnh Hà Nam triển khai thử nghiệm phân bón vi sinh trên cây lúa, ngô và bí tại 6 huyện, thành phố với tổng diện tích 3.000 ha. Năm 2018, tiếp tục triển khai tại 125 điểm mô hình trồng lúa, mỗi điểm có quy mô 25 ha. Kết quả thử nghiệm cho thấy, lúa sử dụng phân bón vi sinh có khả năng chống chịu tốt hơn, như với vụ xuân tăng khả năng chịu rét, vụ mùa không bị ngộ độc hữu cơ. Lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, bộ rễ lúa phát triển sớm, khỏe hơn; chống đổ tốt hơn và hạn chế sâu bệnh hại so với đối chứng không sử dụng phân bón vi sinh; góp phần giảm chi phí đầu tư phân bón từ 20 – 30% so với phân bón hóa học. Kết quả còn cho thấy năng suất tăng từ 7 – 10% so với thâm canh truyền thống. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc sử dụng phân bón vi sinh còn góp phần tăng cường hoạt động hệ vi sinh vật, bảo vệ tầng canh tác đất trồng lúa, tăng hệ keo đất, tăng khả năng giữ nước, phân bón.
Nguyễn Chinh