Ngày 4/3, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030, với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về thực trạng các ngành công nghiệp văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành công nghiệp văn hóa chưa được đầu tư đủ mạnh, chưa có cơ chế thu hút đầu tư quy mô lớn, thị trường văn hóa phát triển còn manh mún, tự phát, chưa chuyên nghiệp.
Dẫn chứng dễ nhận thấy như ngành công nghiệp điện ảnh, lĩnh vực được chọn tiên phong trong đầu tư xây dựng công nghiệp văn hóa cũng mới chỉ có những bước tiến nhỏ dù tiềm năng được đánh giá cao. Dấu hiệu tăng trưởng được ghi nhận lớn nhất của ngành mới chỉ dừng lại ở số lượng hãng phim, cụm rạp...
Đối với các rạp chiếu phim, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ đã được nâng cao, đạt chất lượng tối thiểu nhưng giá vé chưa tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, công nhân, lao động phổ thông, học sinh, sinh viên,… tiếp cận.
Đối với rạp hát, sân khấu kịch, ca nhạc, hiện nay cơ sở hạ tầng, trang thiết bị có phần xuống cấp, chưa ổn định dẫn đến sự quan tâm, đầu tư, quảng bá nội dung hoạt động chưa phong phú và cũ kỹ.
Bên cạnh đó, cơ sở nhà hát, địa điểm biểu diễn còn thiếu về quỹ đất cũng như kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của biểu diễn nghệ thuật. Lĩnh vực điện ảnh hầu hết do các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp tư nhân chiếm thị phần, vai trò của điện ảnh Nhà nước không phát huy được khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, cần xây dựng các thiết chế văn hóa mang tính đặc thù, phù hợp, đáp ứng được các hoạt động nghệ thuật biểu diễn của thành phố.
Bên cạnh đó, đối với ngành điện ảnh, cần chú trọng xây dựng các kịch bản phù hợp, mang tính bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác quản lý trong lĩnh vực điện ảnh cần thay đổi về các cơ chế ràng buộc trong hợp tác đầu tư sản xuất phim, tránh thiệt hại cho nhà sản xuất và các bên tham gia hoặc kiện tụng nhau khi hợp tác không thành công.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần có chiến lược xây dựng một nền văn hóa đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, cơ sở vật chất, trình độ của nguồn nhân lực tham gia.
Theo đó, nền văn hóa đỉnh cao phải mang đặc trưng của thành phố, ưu tiên phát triển các loại hình văn hóa mang tính chất tiêu biểu cho thành phố nói riêng và Nam bộ nói chung như cải lương, hát bội, kịch nói.
Đối với nghệ thuật biểu diễn, so với nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật đích thực, cần tập trung xây dựng Nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Song song đó, cần có những chính sách kích cầu, hỗ trợ và nâng cao tầm nhận thức, thụ hưởng văn hóa nghệ thuật cho người dân sở tại.
Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội di sản Thành phố Hồ Chí Minh, về vấn đề ưu tiên phát triển từng giai đoạn đối với các ngành công nghiệp văn hóa, cần đưa ra khảo sát thực tế, mô tả thực trạng để xây dựng thứ tự cụ thể.
Lấy ví dụ với ngành du lịch văn hóa, thành phố cần hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, có chiến lược trong hoạt động xúc tiến du lịch trong nước, tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch trên địa bàn Thành phố, chú trọng nhiều hơn ở thị trường khách du lịch nội địa.
Tại hội thảo, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã tổ chức 9 cuộc họp lấy ý kiến các sở, ngành và các hội nghề nghiệp liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa để lên được đề cương tóm tắt.
Sau hội thảo lần này, đề án hoàn chỉnh sẽ được Sở cùng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và trình UBND Thành phố phê duyệt trong thời gian tới./.
Thu Hương