Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: Cần có chính sách đột phá thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: Cần có chính sách đột phá thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, nhiều sinh viên, trí thức trẻ đã phản ánh nhiều tâm tư, nguyện vọng và đề xuất Đảng, Nhà nước cần có những chính sách, hành động thiết thực, kịp thời và mang tính đột phá để giải quyết thực trạng “chảy máu chất xám” , tăng cường thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 

* Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực 

Theo Phạm Tuấn Anh , sinh viên Khoa Luật, Đại học Công đoàn, hiện nay, thực trạng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, cử nhân thất nghiệp đang ở con số đáng báo động. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài không chỉ gây lãng phí tiền bạc của người học mà còn là sự lãng phí về nguồn nhân lực cho xã hội, khi mà cử nhân, kỹ sư sau quá trình đào tạo lâu dài lại không có việc làm hoặc phải làm trái ngành, trái nghề. 

Đại học Tây Nguyên- nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN
Đại học Tây Nguyên- nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ cả hai phía người học và cán bộ quản lý. Người học thiếu sự định hướng đúng đắn mà thường đi theo tâm lý, xu thế đám đông lựa chọn ngành học một cách cảm tính dẫn tới tình trạng thiếu động lực, mục tiêu phấn đầu rèn luyện rõ ràng trong quá trình học tập. Phía nhà quản lý chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, chưa đưa ra được những dự báo mang tính chất định hướng cho thanh, thiếu niên trong vấn đề việc làm dẫn đến thực trạng dư thừa nguồn lao động ở một số ngành, nghề hoặc một số ngành nghề khác lại thiếu hụt nguồn cung ứng lao động.Theo đó, dự thảo báo cáo cần cụ thể hơn về việc “ đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp cho thanh,thiếu niên và công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ”, để làm rõ ràng hơn tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của vấn đề này. 

Đề cập đến xu hướng học sinh, sinh viên đi học tập, nghiên cứu và định cư tại nước ngoài. Phạm Tuấn Anh cho rằng, nhu cầu học tập là chính đáng, việc tiếp cận với những tri thức mới từ những nền giáo dục tiên tiến là việc đang hoan nghênh và cần được đẩy mạnh. Tuy nhiên, nếu học sinh, sinh viên ở lại sinh sống và làm việc tại nước ngoài sẽ là một tổn thất to lớn cho đất nước, nhất là trong giai đoạn phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục toàn diện như hiện nay, nhân tài là những tài sản quý giá rất đáng trân trọng. 

Để khắc phục tình trạng này, Phạm Tuấn Anh đề xuất cần có giải pháp đồng bộ, một mặt vẫn khuyến khích những người có năng lực tiếp tục nâng cao trình độ qua quá trình đào tạo ở nước ngoài, mặt khác cần phải có những đãi ngộ hợp lý, tạo điều kiện về môi trường làm việc để thu hút những du học sinh, nghiên cứu sinh sau quá trình học tập và rèn luyện ở nước ngoài, quay trở về và công hiến cho sự phát triển của nước nhà. 

* Có chính sách đãi ngộ để giữ chân người tài 

Thủ khoa Xuất sắc thành phố Hà Nội tốt nghiệp năm 2015 Trần Trọng Biên cho rằng những ưu đãi hiện hành với người giỏi mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, do các địa phương, các cơ quan đặt ra, tùy theo tình hình mà thực hiện, không phải một cơ chế ở tầm vĩ mô có khả năng khuyến khích những người có năng lực phấn đấu trong học tập và cống hiến theo yêu cầu ở các lĩnh vực kinh tế xã hội. Không ít những người ra nước ngoài với mong muốn thay đổi cuộc sống, họ lựa chọn ở lại nước ngoài trước nỗi lo về cơm áo gạo tiền. 

Ở một nước còn nhiều khó khăn như ở nước ta, chính sách đãi ngộ, điều kiện sẽ không thể bằng các nước tiên tiến khác trên thế giới. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ cụ thể để giữ chân người tài, bằng tình cảm và những cải cách toàn diện, để không chỉ những du học sinh Việt Nam mà còn các tri thức, các nhà khoa học trên thế giới sẽ lựa chọn Việt Nam làm nơi định cư và làm việc. Đây rõ ràng là vấn đề lớn, nhưng chưa được đặt ra một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, Thủ khoa Xuất sắc thành phố Hà Nội tốt nghiệp năm 2015 cho rằng việc không có môi trường làm việc tốt cũng là rào cản lớn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao". 

* Gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao 

Thạc sĩ Phạm Thị Hạnh, Tạp Chí Cộng sản đánh giá, chưa lúc nào vấn đề phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao lại trở thành vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước như giai đoạn hiện nay. Theo Thạc sĩ Phạm Thị Hạnh, để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian tới cần chú trọng gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Việc đào tạo phải dựa trên xu hướng, nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đúng địa chỉ sử dụng; tiếp cận cách làm hay của thế giới. 

Để tăng cường quản lý nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay, Thạc sĩ Phạm Thị Hạnh cho rằng cần có các phương pháp quản lý phù hợp. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến hai nhóm yếu tố: yếu tố nguồn nhân lực (gồm sự phù hợp giữa con người với tổ chức, lương và các khoản thu nhập, đào tạo và phát triển chức nghiệp, các cơ hội thực hiện nhiệm vụ đầy thách thức) và yếu tố tổ chức (hành vi của lãnh đạo, mối quan hệ trong tổ chức, văn hóa và các chính sách của tổ chức, môi trường làm việc). Nhà nước cần có chính sách phù hợp về cơ chế lương, thưởng đặc biệt đối với nhân tài; nghiên cứu thành lập và sử dụng có hiệu quả nhất “ Quỹ nhân tài ” để kích thích, khuyến khích nhân tài phát triển, cống hiến, sáng tạo, gắn bó, đồng hành cùng tổ chức. Về lâu dài, có cơ chế, chính sách về nhà ở, các phương tiện điều kiện làm việc tốt nhất cho nhân tài công tác, cống hiến cho sự phát triển của tổ chức, của quốc gia. 

Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đòi hỏi phải đổi mới trên nhiều phương diện, phải có một môi trường trọng công bằng, kỷ cương, đạo đức, thượng tôn pháp luật được coi làm chuẩn mực; tạo ra một môi trường văn hóa dẫn dắt sự phát triển nguồn nhân lực . Khi đất nước ta đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn, tiếp cận kinh tế tri thức trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trí lực có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.