Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư vào năm 2009. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ khi không thể thống nhất phương án với người dân khiến dự án triển khai hơn 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Đến nay, chính quyền địa phương và các bên liên quan, người dân đã cơ bản thống nhất về phương án công tác hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện có gần 700 hộ gia đình với hơn 3.000 nhân khẩu còn lại trong lòng hồ của dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng phải di dời. Các hộ này hầu hết ở xã Cư San, huyện M’Đrắk. Địa điểm các hộ dân di dời đến là 2 khu tái định cư nằm trên địa bàn xã Cư Elang và Cư Bông, huyện Ea Kar.
Ông Ma Văn Chính, thôn 10, xã Cư San, huyện M’Đrắk cho biết, sau nhiều lần họp, thỏa thuận với chính quyền địa phương và các bên liên quan, bà con đã thống nhất về phương án hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng và định cư, định canh tại huyện Ea Kar. Bà con rất đồng thuận với chủ trương, kế hoạch di dời dân về khu tái định cư, định canh mới của tỉnh và hiện nay nhiều hộ đã chủ động tháo dỡ nhà cửa để di chuyển về nơi ở mới.
Mặc dù người dân đã đồng tình với chủ trương, kế hoạch di dời, bàn giao mặt bằng cho công trình. Tuy nhiên, hiện quá trình di dời dân vẫn còn những vướng mắt cần sớm được giải quyết. Bên cạnh đó, người dân cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng khi sắp chuyển về nơi ở mới.
Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk Phạm Ngọc Thạch cho biết, để đảm bảo tiến độ di dời dân ra khởi vùng lòng hồ, huyện M’Đrắk đã huy động các lực lượng công an, quân đội, thanh niên, công chức, viên chức… hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa và di chuyển về nơi ở mới. Nhưng, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến kế hoạch di dời dân.
“Các hộ dân di dời chủ yếu là nhà gỗ, theo tính toán với hơn 700 nhà di dời thì cần khoảng 10.500 ngày công để thực hiện, với khối lượng công việc rất lớn, huyện đã huy động nhiều lực lượng hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa và di chuyển về nới ở mới. Tuy nhiên, hiện kinh phí để hỗ trợ ăn, uống cho lực lượng này rất khó khăn do không có nguồn kinh phí; khó khăn lớn nhất là khoảng cách giữa nơi dời đi và nơi ở mới là 40 km, địa hình phức tạp, phương tiện cơ giới rất hạn chế nên việc di dời nhà cửa, tài sản của người dân đến khu tái định cư đã trở thành “bài toán” khó.” ông Phạm Ngọc Thạch cho hay.
Trước những khó khăn trên, đến ngày 9/4, huyện M’Đrắk mới di dời được 44 hộ so với kế hoạch đặt ra đến hết 10/4 là 230 hộ. Do đó, huyện M’Đrắk kiến nghị với UBND tỉnh Đắk Lắk, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt Ban A) xem xét, bố trí hỗ trợ xe cơ giới để di chuyển tài sản của người dân về khu tái định cư. Đồng thời, hỗ trợ thêm kinh phí phục vụ ăn, uống cho lực lượng tham gia giúp người dân tháo dỡ và di dời nhà để đẩy nhanh tiến độ di dời.
Tuy nhiên, vẫn có người dân trong diện di dời cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng khi chuyển về khu tái định cư, định canh mới. Theo ông Ma Văn Chính, thôn 10, xã Cư San, huyện M’Đrắk, việc chuyển về nơi ở mới ít nhiều người dân sẽ gặp khó khăn trong sản xuất để ổn định cuộc sống. Trong khi chính quyền và người dân đang triển khai việc di dân về nơi ở mới thì tại khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar) việc san lấp mặt bằng để dựng nhà ở vẫn chưa hoàn thành, đa số đất phục vụ canh tác vẫn chưa hình thành ruộng.
Bên cạnh đó, tại khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) là điểm định canh, định cư cho 499 hộ cũng đang trong quá trình xây dựng và hình thành. Trong khi đó, thời gian thực hiện tổ chức bốc thăm và giao đất tái định canh, định cư theo kế hoạch diễn ra từ ngày 15/3 và di chuyển nhà ở từ ngày 20/3 đến ngày 30/4/2021.
Liên quan đến vấn đề vận chuyển tài sản của người dân về nơi ở mới, ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban A cho rằng, huyện M’Đrắk rất khó khăn trong việc huy động xe cơ giới phục vụ di dân về nơi ở mới. Do đó, đơn vị đã phối hợp với Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ đầu tư hợp phần hợp phần xây dựng công trình) huy động xe cơ giới hỗ trợ 35 hộ đầu tiên “xung phong” về nơi ở mới.
Đối với những lo lắng của người dân về hai khu tái định cư, định canh, đại diện của Ban A khẳng định, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục cải tạo khu tái định cư, định canh số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar) để đáp ứng nhu cầu về ở và sản xuất cho người dân về sinh sống. Ngoài ra, trong thời gian đầu về nơi ở mới, người dân sẽ được cung cấp lương thực và hỗ trợ thiết yếu về đời sống, đảm bảo ổn định cuộc sống.
Đối với khu tái định cư, định canh số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar), trong quá trình thực hiện dự án do thay đổi địa điểm xây dựng nên khu tái định cư số 2 đến tháng 8/2020 mới được phê duyệt quy hoạch. Sắp tới, các đơn vị sẽ triển khai thi công các hạng mục thiết yếu như trường học, trạm y tế, hệ thống điện… phấn đấu sau khi hoàn thành di dời người dân về khu tái định cư số 1 sẽ triển khai bốc thăm, di dời số dân còn lại về khu tái định cư số 2.
Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng khi hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới cho khoảng 14.900 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho gần 73.000 người, phục vụ chăn nuôi, cắt giảm lũ cho vùng hạ du và nhiều mục đích quan trọng khác. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
Tuấn Anh