Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại 2018. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN |
* Qua bốn mùa giải thành công, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại đã gây được tiếng vang, có sức lan tỏa rộng rãi trong và ngoài nước. Ông có thể chia sẻ về những đóng góp của TTXVN qua các mùa giải, cũng như một số kinh nghiệm trong việc tổ chức Giải thưởng quan trọng này?
- TTXVN chính là đơn vị đã đề xuất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, vì trong cơ cấu của Giải báo chí quốc gia không có thể loại dành cho thông tin đối ngoại, trong khi có rất nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam, đặc biệt là TTXVN có rất nhiều đơn vị làm trong lĩnh vực này. Sau thời gian khá lâu, với sự thuyết phục và có những đề xuất cụ thể, đề xuất của TTXVN về việc tổ chức Giải thưởng này đã được chấp thuận. Bốn cơ quan: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Nhân dân được chỉ định luân phiên tổ chức Giải.
TTXVN là đơn vị đăng cai Giải lần đầu tiên. Khi tổ chức Giải, cũng khá bất ngờ và chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai những giải thưởng lớn như vậy, nhưng công tác tổ chức của TTXVN đã được đánh giá rất cao, thực sự chuyên nghiệp, thậm chí còn được đánh giá là một mẫu hình tốt để các đơn vị khác tổ chức Giải thưởng những năm sau.
Qua mỗi năm, chúng tôi đều rút ra những kinh nghiệm nhất định trong công tác phối hợp giữa 4 đơn vị liên quan. Năm nay, TTXVN quay trở lại chủ trì tổ chức sự kiện rất quan trọng của giới báo chí làm công tác thông tin đối ngoại. Sự đóng góp của TTXVN trong Giải thưởng này cũng rất tương xứng với tầm vóc hoạt động thông tin đối ngoại của cơ quan thông tấn quốc gia. TTXVN có gần 10 đơn vị làm công tác thông tin đối ngoại nên có số lượng tác phẩm tham dự Giải rất lớn.
Thông thường mỗi năm, TTXVN đóng góp khoảng 200 tác phẩm trong tổng số 900 - 1.000 tác phẩm dự thi và cũng đoạt trên dưới 20 giải thưởng, chiếm khoảng 1/4 tổng số giải của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại. Điều đó cho thấy, những kết quả của chúng ta không chỉ có tác dụng trong đời sống báo chí nhắm đến người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài, mà thực sự được đánh giá cao của Ban Giám khảo.
Điểm mà chúng tôi thấy hài lòng nhất đối với TTXVN là số lượng tác phẩm tham gia Giải của các đơn vị trực thuộc ngày càng tăng. Như năm 2018, không chỉ những đơn vị thường xuyên làm công tác thông tin đối ngoại như các báo bằng tiếng nước ngoài, các báo điện tử có nhiều ngữ, Ban Biên tập Ảnh, Báo ảnh Việt Nam - là những đơn vị làm công tác thông tin đối ngoại rất truyền thống, mà Kênh Truyền hình Thông tấn, Báo Tin tức, vốn không phải là tờ báo nhằm vào mục đích thông tin đối ngoại, nhưng đã tham gia và đoạt những giải thưởng khá cao. Tôi thấy rằng, sự mở rộng công tác thông tin đối ngoại của TTXVN năm 2018 mạnh mẽ hơn, lan tỏa hơn so với nhiều ấn phẩm khác và đã đạt được chất lượng đáng khích lệ.
* Là cơ quan chủ lực của Giải, TTXVN đã chuẩn bị như thế nào để mùa giải năm nay thành công, thưa ông?
- Kết thúc một mùa giải, chúng tôi bắt tay ngay vào việc tổ chức giải tiếp theo, bắt đầu từ việc khởi động mùa giải, họp báo nhấn mạnh những điểm mới, điểm sáng tạo của giải tiếp theo. Công tác phối hợp đôn đốc thu bài cũng được tiến hành bài bản và khẩn trương. Để có sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí, chúng tôi phối hợp với các sứ quán, thông qua Bộ Ngoại giao để thu hút các tác giả ở nước ngoài. Chúng tôi cũng thông qua Sở Ngoại vụ, Ban Tuyên giáo của các tỉnh, tìm các cách thức có thể để vừa động viên, vừa khuyến khích nhiều đơn vị tham gia.
Tiếp đó là công tác tổ chức chấm giải. Việc này đã được tiến hành đến nay là năm thứ 5, rất bài bản. Từ những khó khăn ban đầu, công tác tổ chức hiện nay ngày càng nền nếp. Công tác chấm giải nhanh gọn, đảm bảo mức độ chính xác và sự thống nhất trong các giám khảo, từ các Tiểu ban sơ khảo đến Tiểu ban chung khảo, chúng tôi đều đạt được sự đồng thuận và tìm ra những tác phẩm rất ưng ý.
Chúng tôi chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho Lễ trao giải, cả công tác lễ tân, hậu cần, kỹ thuật, phối hợp cùng với Truyền hình Việt Nam trong công tác ghi hình, Đài Tiếng nói Việt Nam trong việc tổ chức các chương trình nghệ thuật tại buổi Lễ trao giải… Sân khấu được thiết kế rất chuyên nghiệp.
TTXVN xây dựng tuyến thông tin để tuyên truyền về Giải thưởng này trong suốt năm qua, đặc biệt là trước và sau Lễ trao giải; tăng cường tuyên truyền về hiệu quả của Giải thưởng và các tác phẩm đoạt giải thưởng cao.
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại 2018 phát biểu tại họp báo phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại 2018. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN |
* TTXVN đã tổ chức những tuyến thông tin như thế nào để có thể mang lại hiệu quả cao, thưa ông?
- Có thể nói, năm qua có rất nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng, không chỉ TTXVN mà nhiều cơ quan báo chí cũng rất tập trung, như tuyến thông tin về việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - một sự kiện rất nổi bật năm vừa rồi trong công tác thông tin đối ngoại. Hay tuyến thông tin về chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp đỡ nước bạn Campuchia, với sự hy sinh, đóng góp rất lớn của không chỉ các chiến sĩ bộ đội, mà cả người dân, thậm chí của cả người làm báo trong cuộc chiến này.
Rất nhiều sự kiện khác, đặc biệt là câu chuyện về kinh tế Việt Nam, về cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa trong cả nước, mọi vùng miền, mọi ngành nghề, cũng được phản ánh rất đầy đủ. Hay những tuyến thông tin về du lịch, đất nước, con người Việt Nam là những thông tin đối ngoại rất nhẹ nhàng nhưng dễ dàng thu hút. TTXVN đã chủ động tổ chức một cách bài bản chuyên nghiệp để những tuyến thông tin này đạt chất lượng báo chí cao nhất.
Có thể nói rằng sự chủ động của từng đơn vị thông tin đối ngoại, cũng như sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ngành, lãnh đạo Liên Chi hội nhà báo TTXVN, các đơn vị của TTXVN đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu năm. Chính vì vậy, với Giải thưởng về thông tin đối ngoại cũng như rất nhiều giải thưởng khác, TTXVN khá chủ động trong việc vừa phục vụ công chúng, vừa chuẩn bị nội dung tốt để tham gia.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về sức lan tỏa và chất lượng của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018?
- Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại ngày càng có sự tham gia của ngày càng nhiều tác giả nước ngoài. Từ những giải thưởng đầu tiên chỉ có một vài tác giả, đến nay nhiều tác giả nước ngoài đã gửi bài đến với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Hiện số lượng ngôn ngữ mà Ban Tổ chức Giải thành lập các Tiểu ban để chấm giải đã lên đến 13 - 15 tiểu ban, gồm các ngôn ngữ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc. Năm nay có tác giả từ Mông Cổ đã gửi bài tham dự.
Sự chủ động của các cơ quan báo chí Việt Nam trong việc tuyên truyền đối ngoại là vô cùng quan trọng, nhưng những bài viết của các tác giả nước ngoài đăng trên chính những sản phẩm báo chí của nước họ, sức lan tỏa còn lớn hơn rất nhiều. Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại một phần có tác động vinh danh những hoạt động thông tin đối ngoại của Việt Nam, nhưng điều quan trọng hơn là khuyến khích sự tham gia của các tác giả nước ngoài, từ đó sẽ thúc đẩy tác giả nước ngoài viết về Việt Nam nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta đi được bằng chính nội lực của mình, cộng với những bài viết của các phóng viên, biên tập viên nước ngoài đăng tải bằng ngôn ngữ của họ trên chính tờ báo của họ, lúc đó, công tác thông tin đối ngoại của chúng ta mới thực sự hiệu quả.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Chu Thanh Vân (thực hiện)