Công nhân Điện lực Gia Lai thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới điện. Ảnh: Dư Toán – TTXVN. |
Là một trong những địa phương có diện tích cây trồng như cao su, cà phê, hồ tiêu lớn của tỉnh Gia Lai, huyện Đắk Đoa thường xuyên gặp phải tình trạng quá tải lưới điện vào mùa khô và non tải vào mùa mưa, phụ tải khoảng 20MW. Trước tình hình đó, từ năm 2011, Điện lực Đắk Đoa đã tiến hành xây dựng các trạm biến áp tại các khu vực canh tác cây công nghiệp của bà con nông dân. Nhờ đó, tất cả người dân tại các địa phương trong huyện đã có điện để sử dụng tưới nước. Người dân cũng dần chuyển sang tưới tiêu tự động hóa, tưới béc, phun sương, góp phần giảm thiểu chi phí, sức lao động, đồng thời tăng năng suất cây trồng. Ông Trần Quang Minh, Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Yang, xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa cho biết, gia đình ông có khoảng 2 ha hồ tiêu. Trước kia, khi chưa có điện, bà con sử dụng máy dầu để bơm tưới, chi phí cao. Từ khi có điện, gia đình ông và nhiều bà con nông dân đã chuyển sang tưới béc, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước. “Về chi phí, khi sử dụng điện chúng tôi giảm được một nửa so với sử dụng máy bơm dầu, lại không tốn sức, toàn bộ do máy tự động hóa. Tưới hệ thống béc nước phủ đều hơn, giữ ẩm tốt hơn so với việc tưới trực tiếp vào gốc cây. Không những thế, bà con hiện cũng tận dụng nguồn điện để mở trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng thêm cây rau màu để tăng thêm thu nhập”, ông Minh phấn khởi nói.
Nguồn điện và chất lượng điện đảm bảo giúp bà con nông dân tưới tiêu, phục vụ sản xuất. Ảnh: Dư Toán - TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Phiện, Phó Giám đốc Điện lực huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết, theo dự báo, năm 2019, nắng hạn sẽ kéo dài, nhu cầu bơm tưới của người dân rất cao. Do đó, đơn vị đã chủ động lập phương án chống quá tải cho hơn 10 trạm biến áp; đồng thời san tải, tách lèo, giảm bán kính cấp điện cho các trạm biến áp ở khu vực lân cận. Từ đầu mùa khô đến nay, đơn vị đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ cho nhu cầu sản xuất, bơm tưới cây công nghiệp cũng như đảm bảo đời sống, an sinh xã hội cho nhân dân trên địa bàn. Trước tháng 10/2018, trạm biến áp trung gian F19 (Hàm Rồng, thành phố Pleiku) thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải do cấp điện vùng phụ tải bơm tưới cây công nghiệp lớn ở các xã Chư Pơng, Ia Tiêm, Bar Maih và Bờ Ngoong, huyện Chư Sê. Bên cạnh đó, bán kính cấp điện phụ tải dài trên 25km nên chất lượng điện năng không tốt. Nắm bắt được vấn đề trên, Công ty Điện lực Gia Lai phối hợp cùng nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đưa Nhà máy thủy điện Pleikeo (xã Ayun, huyện Chư Sê) vào vận hành, phát điện hòa trạm biến áp trung gian F19 với công suất 3MW. Nhờ đó, đảm bảo được nguồn điện và chất lượng điện năng cung cấp cho ba xã là Ia Tiêm, Bar Maih và Bờ Ngoong và toàn huyện Chư Sê. Riêng xã Chư Pơng, Công ty Điện lực Gia Lai đã đầu tư xây dựng thêm đường dây trung áp, chuyển cấp điện từ trạm biến áp trung gian F19 sang trạm 110kV E50. Ông Nguyễn Bòng, xã Dun, huyện Chư Sê chia sẻ, gia đình ông có 2 ha cà phê thường xuyên phải bơm tưới vào mùa khô. Năm 2018, việc sử dụng hệ thống tưới béc của gia đình ông gặp nhiều khó khăn, do chất lượng điện không ổn định, thường xuyên xảy ra tình trạng yếu điện. Tuy nhiên, từ khi công trình Thủy điện Pleikeo đi vào hoạt động, nguồn điện và chất lượng điện luôn đảm bảo, phục vụ nhu cầu bơm tưới của gia đình ông. Ông Lê Quang Trường, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho biết: theo dự báo, trong mùa khô năm 2019, công suất phụ tải điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai khoảng 250 MW, sản lượng điện ngày đạt khoảng 4 triệu kW/h. Bên cạnh đó, việc chênh lệch phụ tải giữa mùa khô và mùa mưa rất lớn, gấp khoảng 2 lần, nên sẽ gây quá tải lưới điện. Chính vì vậy, công tác đầu tiên của Điện lực Gia Lai là chống quá tải điện. Đối với các máy biến áp non tải sẽ được hoán chuyển để tập trung những vị trí căng tải. Bên cạnh đó, tiến hành vệ sinh toàn bộ hệ thống đường dây, xử lý tất cả các mấu nối, move của hành lang tuyến để đảm bảo lưới điện không bị quá tải trong mùa bơm tưới. Cũng theo ông Trường, trong năm 2018, Công ty Điện lực Gia Lai đã đóng điện hai trạm biến áp 110kV tại huyện Krông Pa và Chư Pưh, nâng tổng số trạm cấp điện cho tỉnh Gia Lai lên con số 11, đáp ứng nguồn điện cho tỉnh. Cùng với đó, đơn vị đã tiến hành tự động hóa lưới điện, đưa vào vận hành trung tâm điều khiển xa – hệ thống SCADA đến 11 trạm biến áp 110kV và hàng trăm thiết bị đóng cắt điện lưới, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Điện lực Gia Lai cũng tập trung áp dụng công nghệ mới và công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất kinh doanh như: Sử dụng Flycam để kiểm tra lưới điện, tập trung kiểm tra ngày và đêm lưới điện để vệ sinh bảo dưỡng, xử lý khắc phục các khiếm khuyết có khả năng gây sự cố, các vị trí xung yếu mất an toàn, hiện tượng rò sứ, các mối nối kẹp răng có tiếp xúc xấu đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn phục vụ điện cho công tác chống hạn và chống quá tải lưới điện. “Chúng tôi đã lên kế hoạch và có đầy đủ các phương án để cấp điện trong mùa khô này, luôn ưu tiên cho bơm tưới và các phụ tải quan trọng. Chúng tôi cũng chỉ đạo cho các điện lực trực 24/24, chuẩn bị đẩy đủ phương tiện, vật tư và thiết bị thông tin để xử lý sự cố kịp thời cho khách hàng, đảm bảo nguồn điện an toàn, liên tục trong mùa khô năm 2019”, ông Lê Quang Trường nhấn mạnh.
Dư Toán