Trước những khó khăn, vướng mắc trong việc đề xuất chuyển đổi trên 4.700 ha rừng để làm vùng tưới cho công trình “đại thủy nông” Ia Mơr (tại xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông), tỉnh Gia Lai đã chuyển hướng tìm vùng tưới.
Theo ông Nguyễn Văn Hoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, thiết kế diện tích vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr tại Gia Lai tổng cộng là 8.500 ha, phần diện tích vùng tưới còn thiếu so với thiết kế là 4.898 ha; trong đó, có 4.757 ha đất lâm nghiệp.
Sau nhiều đề xuất chuyển đổi 4.757 ha đất lâm nghiệp này nhưng “bất thành”, ông Hoan cho biết “chủ trương của tỉnh hiện nay là không chuyển đổi rừng sang làm vùng tưới. Tỉnh Gia Lai cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền chuyển vùng tưới sang các diện tích khác không ảnh hưởng đến diện tích đất có rừng tự nhiên mà vẫn đảm bảo vùng tưới cho dự án".
Tỉnh Gia Lai đã đề nghị xin chuyển đổi 12.000 ha rừng cao su (nằm trong dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su) kém phát triển, không phù hợp thổ nhưỡng ở quanh khu vực hồ chứa Ia Mơr thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nếu được đồng ý, hồ thủy lợi Ia Mơr sẽ được thiết kế để phục vụ cho diện tích này.
Bên cạnh đó, hồ chứa thủy lợi Ia Mơr cũng có thể phục vụ cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp của người dân ở khu vực xung quanh vùng tưới của dự án. Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cũng đang xin cung cấp nước từ dự án thủy lợi Ia Mơr cho thêm khoảng 4.000 ha. Việc này chỉ cần đầu tư xây dựng thêm hệ thống kênh dẫn nước.
Trước đó, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có nhiều phản ánh liên quan đến việc “đại công trình” thủy lợi Ia Mơr không phát huy được công năng do thiếu vùng tưới. Nhiều cánh đồng nằm sát ngay dưới chân đập rơi vào cảnh khô hạn, thiếu nước tưới trầm trọng. Chính vì thế, những diện tích đất màu mỡ ở đây cũng chỉ canh tác được mỗi năm một vụ.
Bên cạnh không phát huy được công năng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng biên, ngay từ khi dự án hồ thủy lợi Ia Mơr được phê duyệt, triển khai thì người dân đã “rục rịch”, phá rừng dọc hai bên kênh chính Đông – Tây, thuộc địa bàn xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai để lấy gỗ và “xí” đất trồng cây nông nghiệp khi diện tích rừng được cho phép chuyển đổi. Do đó, nhiều ha đất rừng với những cây gỗ dầu, bằng lăng, cà chít… đường kính lớn nhỏ đã bị triệt hạ, đốt cháy. Tại các vị trí này, những cây mì, cây điều nhanh chóng được người dân trồng thay thế.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, tự nguyện kê khai, trả lại đất rừng lấn chiếm, chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp, trồng rừng. Bên cạnh đó, người dân tham gia nhận rừng, thuê rừng để chăm sóc.
Quang Thái