Tại Trà Vinh, giá dừa thấp khiến nhiều hộ trồng dừa không mặn mà chăm sóc cây, năng suất dừa cũng giảm đáng kể, thậm chí nhiều hộ đốn bỏ cây dừa để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Gần 6 tháng nay, giá dừa khô trên địa bàn tỉnh Trà Vinh liên tục giảm mạnh, thu nhập các hộ trồng dừa bị ảnh hưởng đáng kể. Hiện giá dừa khô được thương lái mua ở Trà Vinh chỉ dao động ở mức 37.000 - 47.000 đồng/chục (12 quả), giảm khoảng 70.000 đồng/chục so với thời điểm đầu tháng 12/2021.
Gia đình ông Lê Văn Thường, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long có nguồn thu nhập chủ yếu từ 1 ha dừa nhiều năm nay. Mỗi tháng, vườn dừa gia đình ông cho thu hoạch từ 800 - 1.000 quả. Tính theo giá bán bình quân 80.000 đồng/chục hàng năm thì gia đình ông có thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Nhưng nhiều tháng nay, giá dừa luôn ở mức thấp khiến thu nhập gia đình ông rất bấp bênh.
Cùng cảnh ngộ, bà Dương Thị Lý, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long thu nhập cũng hoàn toàn phục thuộc vườn dừa 0,7 ha của gia đình. Thời điểm những tháng cuối năm 2021, vườn dừa này được thương lái mua tại vườn giá 120.000 đồng/chục nhưng hiện nay chỉ còn 40.000 đồng/chục. Giá dừa giảm mạnh trong khi chi phí phân bón tăng khiến bà Lý không còn thiết tha chăm sóc vườn dừa của gia đình.
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân không nên vội vàng đốn bỏ cây dừa, bởi đây là cây trồng đã được tỉnh Trà Vinh chọn nâng cấp chuỗi giá trị để tạo thu nhập bền vững cho nông dân.
Dừa được xác định là cây trồng chủ lực của Trà Vinh bởi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và thích ứng biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh hiện có gần 90.000 hộ trồng dừa, với hơn 7 triệu cây trên tổng diện tích gần 25.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành.
Diện tích trồng dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, với sản lượng đạt khoảng 300 triệu quả/năm.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, đơn vị đang trình UBND tỉnh phê duyệt Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 – 2025; trong đó, chú trọng các giải pháp tạo liên kết để phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm dừa, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ gắn với các nhà máy chế biến.
Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực vận động nhà vườn trồng dừa trên địa bàn sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, tạo thu nhập ổn định. Nông dân tham gia xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ cho các doanh nghiệp sẽ được doanh nghiệp cam kết thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%.
Thanh Hòa