Gia đình văn hóa - hạt nhân xóa bỏ tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng

Gia đình văn hóa - hạt nhân xóa bỏ tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chung sống. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng. Việc khuyến khích người dân lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, vai trò của những gia đình văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất quan trọng.

Xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Sán Chỉ. Trước đây, người Sán Chỉ (nhóm địa phương thuộc dân tộc Sán Chay) có quan niệm trọng nam khinh nữ, những cô gái khi làm dâu trong nhà người Sán Chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, phép tắc như không được ngồi cùng mâm, uống chung ấm với bố chồng. Bên cạnh đó, họ còn tảo tần với công việc gia đình từ sáng đến tối mịt. Những tập quán này truyền qua nhiều đời, khiến người phụ nữ tự ti và mất vị thế trong gia đình và xã hội.

Chị Phón Thị Chằm (sinh năm 1991) sinh sống ở xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc cho biết, nhận thấy rõ những quan niệm, hủ tục ngày càng trói buộc phụ nữ dân tộc thiểu số, là người Sán Chỉ còn trẻ tuổi, ngay từ khi lập gia đình, chị đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, nếp sống, quan điểm trong chính gia đình mình. Cụ thể, trong bữa cơm gia đình hoặc đi làm, chị thường xuyên chia sẻ với các thành viên những câu chuyện gần gũi về hạnh phúc, sự bình đẳng giữa nam nữ và những hậu quả của các hủ tục lạc hậu.

Chị vui mừng chia sẻ, nhờ tích cực làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên kinh tế gia đình chị khá đầy đủ, hai con được ăn học tử tế. Chị cũng tự hào về chồng là anh Tẩn Văn Cháy (sinh năm 1992) biết quan tâm, chăm lo cho gia đình, ngoài thời gian lao động trên nương, anh phụ giúp chị việc nhà, tạo điều kiện cho chị được tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Gia đình anh chị Quan Thị Vui (sinh năm 1981) và Hứa Văn Thủy (sinh năm 1977) là gia đình tiêu biểu ở xóm Khâu Dề, xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm. Hai anh chị đều là giáo viên Trường Tiểu học Bản Là, xã Thái Sơn. Kết hôn đã gần 20 năm, anh chị có con gái lớn đang học Đại học Sư phạm, con gái thứ 2 đang chuẩn bị vào lớp 10.

Là một trong số ít gia đình là người Tày - Nùng sinh sống trong vùng đồng bào Mông, những năm qua, gia đình anh Thủy, chị Vui là hình mẫu để đồng bào Mông học tập và làm theo trong việc nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế, đi đầu về công tác tuyên truyền người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu.

Chị Vui tâm sự, trước đây, đồng bào Mông ở Khâu Dề còn những tập tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay, đặc biệt là tình trạng tảo hôn. Vì vậy, sau những giờ lên lớp, chị Vui thường xuyên nói chuyện với người dân để bà con tạo điều kiện cho con em đến tuổi được đi học, không lấy vợ, lấy chồng sớm. Gia đình chị Vui là những người đầu tiên ở Khâu Dề thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Sinh hai con gái, anh chị đã dừng lại để tập trung nuôi dạy con ăn học cho tốt…

Anh Hứa Văn Thủy cho biết, hiện nay, anh là Bí thư Chi bộ xóm Khâu Dề. Thời gian qua, anh cùng chính quyền các cấp, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền để đồng bào Mông ở Khâu Dề không nghe, không làm theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; tập trung phát triển kinh tế; tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Bà Đoàn Lê An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, với đặc điểm là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhờ cách làm quyết liệt, kiên trì, bền bỉ của chính quyền các cấp, những gia đình văn hóa tiêu biểu ở vùng cao góp phần giúp các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số dần xóa bỏ được quan niệm, tư tưởng lạc hậu.

Để xóa bỏ dần tập tục lạc hậu, tình trạng bạo lực trong những gia đình vùng cao nói riêng và toàn tỉnh nói chung, thời gian tới, ngành Văn hóa tỉnh Cao Bằng tiếp tục ban hành các văn bản về thực hiện tốt công tác gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, chống xâm hại trẻ em; lồng ghép nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình vào các hoạt động của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp.

Đến nay, tình trạng bạo lực gia đình, trọng nam, khinh nữ, phân biệt đối xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã giảm rõ rệt. Cụ thể, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm (năm 2021 có 67 vụ, năm 2022 giảm còn 52 vụ); tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tăng từ 85% (năm 2021) lên 88% (năm 2022)…

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm