Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tến Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng lượng tiêu thụ bưởi Diễn ở Tuyên Quang vẫn rất chậm, trong khi giá bưởi năm nay chỉ bằng một nửa so với những năm trước. Thời điểm hiện nay, bưởi Diễn loại A tại Tuyên Quang đang dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/quả. Với giá như hiện nay, trừ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, người trồng bưởi gần như không có lãi.
Theo một số chủ vườn tại các xã có diện tích bưởi lớn như Xuân Vân, Phúc Ninh, Tứ Quận, huyện Yên Sơn; xã Đức Ninh, Thái Sơn, Thái Hòa huyện Hàm Yên, năm nay bưởi được mùa hơn năm trước, sản lượng tăng khoảng 30%. Những năm trước bưởi đào đường, bưởi Cát quế, bưởi Diễn được tiêu thụ mạnh tại thị trường các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa... thì năm nay rất chậm, thậm chí một số thị trường gần như đóng băng hoàn toàn. Nguyên nhân giá giảm một phần do tác động của dịch bệnh COVID-19, bưởi không xuất khẩu được sang Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Gia đình anh Nguyễn Duy Tấn, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có 500 gốc bưởi Diễn đang cho thu hoạch. Những năm trước, thời điểm này gia đình anh Tấn đã bán hết bưởi nhưng năm nay do giá xuống thấp nến anh Tấn vẫn chưa muốn bán.
Anh Nguyễn Duy Tấn cho biết, năm nay số lượng bưởi nhiều do diện tích cho thu hoạch tăng lên. Nguyên nhân giá bưởi xuống thấp do diện tích cho thu hoạch tăng hơn so với năm ngoái, sản lượng tăng. Bên cạnh đó việc tiêu thụ bưởi đa phần phụ thuộc vào thương lái vì sản phẩm bưởi của người dân Phúc Ninh chưa vào được các siêu thị, các chuỗi cung ứng sản phẩm.
Là chủ cơ sở thu mua bưởi từ nhiều năm nay, nhưng đây là năm đầu tiên anh Tô Văn Bình, trú tại thôn Thái Ninh, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cảm thấy lo lắng vì giá bưởi xuống thấp và mức tiêu thụ chậm. Anh Bình cho biết: “Chúng tôi thường mua cả vườn khi quả bưởi vẫn còn non vì vậy tính rủi ro rất cao. Năm nay giá bưởi xuống thấp khiến chúng tôi bị thua lỗ. Cùng thời điểm năm ngoái chúng tôi đã bán được khoảng 50.000 quả nhưng năm nay chỉ bán được khoảng 20.000 quả”.
Theo anh Bình, nguyên nhân khiến bưởi rớt giá, tiêu thụ chậm do sản lượng bưởi ngày một tăng. Chỉ tính riêng ở xã Phúc Ninh, mỗi năm diện tích bưởi cho thu hoạch tăng thêm khoảng 10 ha nên cung cầu mất cân đối.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 4.900 ha bưởi; trong đó có trên 2.800 ha đang cho thu hoạch. Như vậy, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều ha bưởi mới cho thu hoạch, nguy cơ cung vượt cầu sẽ xảy ra. Trước thực trạng thị trường tiêu thụ bưởi chậm, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kết nối bạn hàng để tiêu thụ bưởi, khuyến cáo người dân thu hoạch bưởi khi đã chín, phân loại quả để bảo quản, tuyệt đối không để bưởi chín trên cây gây hư hại cây ảnh hưởng đến vụ sau và làm giảm chất lượng bưởi.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBND các huyện quản lý chặt, duy trì giữ nguyên diện tích bưởi hiện có, cải tạo các vườn bưởi già cỗi để nâng cao chất lượng vườn bưởi. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc bưởi theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng nhằm giữ vững nhãn hiệu và thương hiệu bưởi của địa phương.
Phát triển cây ăn quả là hướng đi đúng của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, nhiều vùng bưởi tại Tuyên Quang đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu, nhờ đó đời sống của người dân được cải thiện rất nhiều. Tỉnh Tuyên Quang cần giải quyết bài toán quy hoạch và thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ hoặc VietGAP để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm bưởi. Cùng với đó tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để sản phẩm bưởi Tuyên Quang có đầu ra ổn định.
Quang Cường