Thực hiện san phẳng mặt ruộng bằng thiết bị tia laser ở huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Từ năm 1993, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ về vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) từ các nhà tài trợ quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ các nước: Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Australia, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan... Nguồn vốn ODA dành cho nông nghiệp được tập trung vào phát triển nông nghiệp bền vững như: xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, cảng cá, chợ đầu mối, hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn, hoàn thiện thể chế... Ngày 3/7/1999, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 100/1999/QĐ-BNN-TCCB về việc thành lập Ban Quản lý các dự án nông nghiệp. Theo đó, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp được Bộ trưởng giao trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và phát triển hạ tầng nông thôn. Ông Lê Văn Hiến, Trưởng ban Ban Quản lý các dự án nông nghiệp cho biết, trong 20 năm thực hiện, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp đã triển khai 23 chương trình dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,968 tỷ USD từ các nhà tài trợ. Hiện đã có 17 chương trình dự án đã hoàn thành, 6 dự án đang triển khai. Các dự án có phạm vi hoạt động tại 63 tỉnh thành và đa dạng các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phòng chống thiên tai... Kết quả đầu tư của các chương trình, dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp ở các địa phương, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản chất lượng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Về nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, gần 5.000 km đường giao thông được đầu tư nâng cấp cải tạo; trên 700 km kênh mương cùng công trình hồ đập thủy lợi, trạm bơm đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 100.000 ha cây trồng; gần 100 km đê biển, đê sông được kè, nâng cấp. Bên cạnh đó, cũng đã có gần 600 chợ nông thôn được cải tạo nâng cấp tại 18 tỉnh, thành; 21 cảng cá/bến cá và gần 50 vùng nuôi được nâng cấp; gần 30 công trình cấp nước sạch được hỗ trợ... Ngoài ra, hàng triệu lượt nông dân được tập huấn kỹ thuật, đào tạo trong quản lý sản xuất nông nghiệp bền vững. Theo ông Lê Văn Hiến, các chương trình, dự án được thực hiện trong 20 năm qua đã mang lại lơi ích thiết thực cho hàng chục triệu người dân trên 63 tỉnh, thành phố. Các dự án góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành nông nghiệp, từ đó đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Chia sẻ về những kết quả đem lại từ những dự án ODA tại địa phương, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, từ dự án Đa dạng hóa nông nghiệp đầu tiên (giai đoạn 1999 – 2006), 3.000 hộ nông dân của tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ vốn, kỹ thuật phát triển cao su tiểu điền. Theo đó, cao su ở Đắk Lắk không chỉ được phát triển ở các công ty, doanh nghiệp mà còn có sự tham gia của các hộ nông dân. Dự án đã được người dân đặt tên là “Cao su tiểu điền” bởi nó đã giúp người dân có thu nhập khá, góp phần ổn định cuộc sống. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đánh giá, nông nghiệp Tiền Giang được hỗ trợ từ 8 dự án. Những dự án đã tiếp thêm năng lượng cho địa phương trong tăng cường dịch vụ thú y cơ sở, cải thiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học… Các dự án rất thiết thực phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương. "Với thế mạnh về tự nhiên cùng với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0, phát triển hạ tầng thích nghi với biến đổi khí hậu… Tiền Giang mong muốn được tham gia vào dự án Phát triển bền vững ngành điều, hồ tiêu và cây ăn quả tại Việt Nam.", ông Cao Văn Hóa kiến nghị. Theo ông Lê Văn Hiến, trước thực tế không còn được các nhà tài trợ bố trí từ nguồn vốn vay ưu đãi, các cơ chế chính sách về quản lý nguồn vốn ODA có nhiều thay đổi... nên việc xây dựng các chương trình dự án giai đoạn 2021-2026 là thách thức lớn đối với Ban Quản lý các dự án nông nghiệp. Hiện Ban Quản lý các dự án nông nghiệp đang vận động, xây dựng 3 dự án vốn vay WB đó là: dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thủy sản bền vững; dự án Thực phẩm an toàn nông nghiệp; dự án Phát triển bền vững ngành điều, hồ tiêu và cây ăn quả tại Việt Nam và 1 dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc về nâng cấp chuỗi giá trị gạo Đồng bằng sông Hồng.
Bích Hồng