Đưa cảng Quốc tế Vĩnh Tân vào hoạt động. Ảnh: plo.vn |
Cảng Quốc tế Vĩnh Tân do Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vĩnh Tân (đơn vị thành viên của Tập đoàn Thái Bình Dương) làm chủ đầu tư. Cảng được đầu tư xây dựng trên phạm vi diện tích hơn 140 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng. Mục tiêu của cảng đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Quy mô của cảng được thiết kế gồm 1 bến 3.000 DWT, 2 bến 50.000 DWT và trong giai đoạn phát triển tương lai là 1 bến 70.000 DWT. Cảng Quốc tế Vĩnh Tân thuộc Nhóm cảng biển số 4 (Nhóm cảng biển Nam Trung Bộ). Cảng đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, giải quyết nhu cầu cấp bách về vận chuyển hàng hóa của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và các khu vực lân cận, tăng ngân sách địa phương và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc đầu tư Cảng Quốc tế Vĩnh Tân là phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Cảng đi vào vận hành giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại, có vị trí thuận lợi, dễ dàng kết nối các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và vùng Tây Nguyên, nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tạo động lực thu hút đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm cho tỉnh Bình Thuận. Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh: Việc tập đoàn Thái Bình Dương đầu tư xây dựng Cảng Quốc tế Vĩnh Tân là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế. Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa…góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.
Nguyễn Thanh