Đưa hàng Việt Nam đến vùng nông thôn, biên giới Lai Châu

Khách hàng đến mua sản phẩm chè của Công ty cổ phần chè Lai Châu. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Khách hàng đến mua sản phẩm chè của Công ty cổ phần chè Lai Châu. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Với mong muốn đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng ở vùng nông thôn, biên giới, những năm qua, tỉnh  Lai Châu đã thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới được sử dụng đa dạng các loại mặt hàng của Việt Nam.

Đưa hàng Việt Nam đến vùng nông thôn, biên giới Lai Châu ảnh 1Khách hàng đến mua sản phẩm chè của Công ty cổ phần chè Lai Châu. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Với vị trí địa lý là cửa ngõ của 9 xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ nên thương mại, dịch vụ ở xã Nậm Tăm rất phát triển. Điều này cũng tạo thuận lợi cho người dân trong và ngoài địa bàn được tiếp cận, có nhiều sự lựa chọn các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Nhờ triển khai tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của cấp ủy, chính quyền địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng mà hàng Việt đã phủ sóng khắp từ trung tâm xã Nậm Tăm đến các bản.

Ông Cà Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Tăm cho biết: Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh các loại mặt hàng của Việt Nam. Đến nay, trên địa bàn xã có gần 200 siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ, tạp hóa, tập trung tại các bản trung tâm như Nậm Tăm 1, Phiêng Chá… tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận với hàng Việt. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Tăm đã và đang tăng cường triển khai, tuyên truyền và phát động Cuộc vận động đến từng bản, khu dân cư; phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện đưa hàng Việt về nông thôn.

Song song với phát triển thương mại, dịch vụ, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng được chính quyền xã Nậm Tăm quan tâm. Từ đó, giúp người dân tiếp cận các sản phẩm hàng việt có chất lượng, vừa tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà sản xuất gắn bó hơn với người tiêu dùng, góp phần quảng bá thương hiệu, khẳng định vị thế hàng Việt ở khu vực nông thôn.

Tương tự, tại khu vực biên giới, thay vì các mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới hơn 60% ở 12 xã biên giới vùng biên của huyện Phong Thổ, cách đây 3 năm, thì nay, từ bánh kẹo, đồ chơi, lúa giống, ngô giống, phân bón đều có nhãn mác sản xuất tại Việt Nam và được bày bán với nhiều mẫu mã đa dạng, kích thích người tiêu dùng.

Tới cửa hàng của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở Chợ Trung tâm xã Dào San, huyện Phong Thổ dễ thấy các mặt hàng đồ gia dụng được ông bày trí hợp lý, tạo không gian cho người mua thuận tiện lựa chọn hàng hóa. Ông Thanh chia sẻ: Gia đình ông kinh doanh ở chợ 20 năm nay, khách quen đã nhiều. Gia đình chủ yếu nhập các mặt hàng Việt để bán, vừa chất lượng - giá rẻ. Mặt khác, các nhà phân phối lên chào hàng tận nơi, chúng tôi giảm được chi phí đi lấy hàng ở huyện. Vì thế, lợi nhuận thu về cao hơn trước, mỗi tháng thu lãi gần 20 triệu đồng.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, huyện Phong Thổ tích cực phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động tới từng hộ gia đình, tổ chức, cá nhân dưới nhiều hình thức: tuyên truyền trực tiếp tại cuộc họp thôn bản, tổ dân phố và treo băng rôn, phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa truyền thanh. Đối với nhân dân, vận động mọi người ưu tiên mua bán, sử dụng hàng Việt trong tiêu dùng cá nhân và sinh hoạt gia đình. Với các hộ kinh doanh, vận động các hộ nhập hàng hóa thương hiệu Việt đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt khuyến khích bà con khai thác tiềm năng, thế mạnh thi đua lao động sản xuất, tạo ra các nông sản có thương hiệu đưa ra thị trường như: gạo, chè, chuối.

Hiện nay, toàn huyện Phong Thổ có hơn 600 hộ kinh doanh, buôn bán dịch vụ - thương mại tại 17 xã, thị trấn. Khoảng 80% sản phẩm hàng hóa Việt Nam như: sữa, bánh kẹo, nhu yếu phẩm, đồ gia dụng, điện tử điện lạnh, đồ dùng học sinh, dụng cụ y tế... được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, bách hóa, nhà thuốc trên địa bàn huyện. Đặc biệt, các hộ gia đình, hợp tác xã đã sản xuất ra nhiều mặt hàng chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP và đưa ra tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh như: gạo tẻ dâu, chè cổ thụ, cao ngựa bạch, cá hồi, cá tầm.

Để các mặt hàng Việt đến tay người tiêu dùng an toàn, hàng năm, huyện Phong Thổ phối hợp với ngành liên quan tăng cường thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng; xử lý nghiêm các hộ, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật. Cùng đó, các xã duy trì hoạt động của chợ phiên để người dân thuận lợi trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Hiện nay, các xã: Sin Suối Hồ, Dào San, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Mường So duy trì được chợ phiên hàng tuần.

Chị Hảng Thị Dơ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ phấn khởi nói: Chị yêu những bộ trang phục của người dân tộc Mông. Vì vậy, với lợi thế biết may, thêu hoa văn từ hồi còn thiếu nữ, chị đã làm một gian hàng nhỏ ở chợ bản Sin Suối Hồ để bán cho chị em trong xã và du khách khi đến chợ phiên tham quan du lịch. Nhờ đó, mỗi tháng chị có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình và gìn giữ được nghề truyền thống.

Từ việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức, hành động của nhân dân huyện Phong Thổ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung. Không chỉ dừng lại ở việc hình thành thói quen tiêu dùng hàng hoá do doanh nghiệp trong nước sản xuất, mà người dân nơi đây còn tích cực tạo ra các sản phẩm của người Việt dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đây là tín hiệu đáng mừng góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam ngày một uy tín ở huyện biên giới.

Thời gian tới, để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có sức lan tỏa, hoạt động hiệu quả và đi vào chiều sâu, tỉnh Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các huyện, xã tăng cường tuyên truyền về cuộc vận động đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn. Đồng thời tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hàng hóa đã đăng ký nhãn hiệu. Từ đó, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần yêu nước, từng bước hình thành nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng, ưu tiên lựa chọn sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm