Đưa cát nghiền dần thay thế cát tự nhiên

Đưa cát nghiền dần thay thế cát tự nhiên

Theo Viện Vật liệu xây dựng (VIBM), xu thế sản xuất và sử dụng cát nghiền trong xây dựng là cần thiết vì lượng cát thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Đồng thời, nếu đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng cát nghiền tái chế từ các nguồn phế thải sẽ càng có ý nghĩa hơn nữa về mặt môi trường.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa xây dựng, Nhà nước cần tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ để giải quyết khó khăn về khâu kỹ thuật trong sản xuất và sử dụng cát nghiền.

Tiến sỹ Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM phân tích, ngành xây dựng thường sử dụng hai loại cát. Loại thứ nhất dùng cho bê tông và vữa với công suất tiêu thụ khoảng hơn 100 triệu m3/năm. Loại thứ hai là cát dùng cho san lấp hạ tầng công trình xây dựng và giao thông có khối lượng tiêu thụ rất lớn. Điển hình như một số sự án xây dựng đường bộ cao tốc ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay đã cần đến khoảng 54 triệu m3.

Hiện cát nghiền chủ yếu được sử dụng để thay thế cát thiên nhiên dùng cho bê tông, vữa và có thể được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau như: khoáng sản đá, sỏi thiên nhiên; phế thải của ngành khai thác than, khoáng sản; phế thải phá dỡ các công trình xây dựng; phế thải của các ngành công nghiệp

Cát tự nhiên là tài nguyên không tái tạo kịp và dần cạn kiệt khi khai thác, sử dụng quá mức. Bởi vậy, thời gian qua, việc sử dụng cát nhân tạo được xay từ đá dần thay thế cát tự nhiên trong xây dựng là cần thiết và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn triển khai.

Sau khi tỉnh khuyến khích việc đầu tư, sản xuất cát nhân tạo từ đá thải tại các mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để sản xuất cát nhân tạo bù đắp cho sự thiếu hụt cát tự nhiên.

Khảo sát của Sở Xây dựng Thanh Hóa cho thấy, địa phương này có 168 mỏ, khu mỏ đá vôi trên địa bàn 23 huyện, thị xã, thành phố đủ điều kiện để sản xuất cát nghiền nhân tạo với trữ lượng 600 triệu m3. Đến nay, Thanh Hóa đã có khoảng 12 dự án đã và đang đầu tư sản xuất cát nghiền với công suất thiết kế khoảng 1,135 triệu m3/năm có khả năng thay thế trên 50% tổng sản lượng cát tự nhiên.

Cùng đó, trong Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu sẽ phát triển các sản phẩm cát nhân tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng. Cụ thể, đến năm 2025 sử dụng tối thiểu 30% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế cát tự nhiên; năm 2030 sử dụng tối thiểu 40% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp…

Tương tự, nhằm khuyến khích phát triển cát nghiền thay thế nguồn cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên kế hoạch triển khai sử dụng cát nhân tạo trong các công trình sử dụng vốn Nhà nước do UBND tỉnh quản lý trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn từ năm 2023 – 2024, địa phương này phấn đấu đẩy mạnh việc sử dụng cát nhân tạo, sản lượng đáp ứng và đưa vào sử dụng khoảng 50% nhu cầu.

Mục tiêu cho giai đoạn từ năm 2025 trở về sau, tỉnh Thừa Thiên Huế quy định sử dụng cát nhân tạo trong bê tông và vữa xây đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; trong đó, năm 2026 sẽ đưa vào sử dụng trên 80% cát nghiền thay thế cát tự nhiên trên địa bàn, hạn chế khai thác cát lòng sông.

Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Xuân Long (tỉnh Thừa Thiên Huế) – đơn vị sản xuất cát nhân tạo được xay từ đá xây dựng cho biết, cát nhân tạo có chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn xây dựng công trình, có giá rẻ hơn hẳn cát tự nhiên. Thế nhưng, dù hợp tác xã có công suất thiết kế sản xuất được khoảng 251 ngàn m3 cát nghiền/năm nhưng hiện chỉ tiêu thụ bình quân được khoảng 10 ngàn m3/năm.

Từ bất cập này, chuyên gia đề xuất, các bộ, ngành và địa phương liên quan cần tính toán cân đối cung cầu cát xây dựng; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa; khẩn trương hoàn thiện các bộ định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với loại vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng.

Đây chính là những yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo có đầy đủ cơ sở pháp lý để các địa phương, tổ chức cá nhân thúc đẩy sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ và Quốc hội ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, chuyển giao công nghệ, vốn vay… cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nghiền; nâng cao mức thuế đối với cát tự nhiên; quy định loại công trình phải sử dụng cát nghiền. Đặc biệt, cần có chế tài đủ mạnh để quản lý, xử phạt các vi phạm về sản xuất và sử dụng cát xây dựng.

Liên quan đến thực trạng thiếu cát trầm trọng phục vụ các công trình xây dựng, hạ tầng giao thông tại khu vực phía Nam, ông Hà Huy Anh - Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cho rằng, cần xây dựng một kế hoạch quản lý toàn diện tài nguyên cát dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, cân nhắc về các khía cạnh kinh tế - xã hội và lợi ích công cộng.

“Cần thiết lập một “ngân hàng cát” cho toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có tiềm năng lớn trong việc quản lý cát sông một cách bền vững hơn, đặc biệt trong giai đoạn dần chuyển đổi từ sự phụ thuộc hoàn toàn vào cát sông sang những loại vật liệu thay thế bền vững khác. Đồng thời, cần xem xét để công nhận cát sông là một nguồn tài nguyên quan trọng, không phải là vật liệu xây dựng thông thường, trong các văn bản pháp luật và chính sách có liên quan” – chuyên gia này đề xuất.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành nên cân nhắc, xem xét về sự khan hiếm cũng như hậu quả của việc cạn kiệt nguồn cát dự trữ hiện có để hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp có thể thực hiện sáng kiến nhằm giảm tối đa việc khai thác cát sông tại khu vực phía Nam.

Ủy ban sông Mekong Việt Nam cùng Ủy ban sông Mekong của các nước thượng nguồn để phát triển Ngân hàng cát quy mô lưu vực, nhằm đảm bảo cho việc quản lý một cách bền vững nguồn tài nguyên quý giá chung của cả lưu vực này.

Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm