Đồng Tháp phát triển làng nghề gắn với du lịch

Đồng Tháp phát triển làng nghề gắn với du lịch
Sản xuất lợp cua tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thi xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN
Sản xuất lợp cua tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thi xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN

Các làng nghề hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 19 ngàn lao động địa phương, với thu nhập bình quân gần 1 triệu đồng/người/tháng.

Tại làng nghề làm nem ở Lai Vung (huyện Lai Vung), mỗi năm người dân địa phương sản xuất hàng chục triệu chiếc nem phục vụ thị trường. Đây là món ăn phổ biến trong bữa tiệc của người dân Nam bộ và đã chinh phục được cả du khách nước ngoài.

Ở thành phố Sa Đéc có làng nghề trồng hoa kiểng, diện tích hơn 485 ha, với trên 2.300 hộ sản xuất, kinh doanh loài hoa này. Bình quân mỗi ha trồng hoa kiểng thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Hoa kiểng không chỉ đem lại nguồn lợi nhuận cho địa phương mà còn thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc cho biết: Thành phố đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác -liên kết trong sản xuất hoa kiểng, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, phát triển du lịch thành phố…

Ngoài ra, tại Đồng Tháp còn có làng nghề đóng xuồng 3 lá ở Long Hậu, nghề dệt chiếu ở Định Yên, Định An... ngày càng thu hút khách du lịch. Tỉnh đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng thêm các làng nghề truyền thống, những món ăn đặc sản nhằm thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Đồng Tháp.

Điểm du lịch “làng bè Bình Thạnh” được hình thành và đưa vào hoạt động tại ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh từ năm 2014. Du khách tới đây sẽ có những trải nghiệm như tìm hiều người dân nuôi cá bè lồng bè, đi câu cá, giăng lưới trên sông, dịch vụ thuyền đưa rước khách tham quan vườn cây ăn trái…

Ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho nhân dân vùng du lịch “Làng bè Bình Thạnh” nói riêng và các vùng du lịch trên địa bàn nói chung; đồng thời nâng cao kiến thức về phát triển du lịch cho lao động hoạt động trực tiếp tại điểm đến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết: Sở phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết làng nghề với phát triển các khu du lịch, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Cụ thể, phát triển nghề trồng hoa kiểng, sản xuất bột gắn với du lịch nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở thành phố Sa Đéc; phát triển các nghề làm khô cá lóc, làm dưa kiệu tại huyện Tam Nông, gắn với du lịch sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông… Bên cạnh đó, ngành chức năng tổ chức khôi phục phát triển nghề đan mê bồ tại thành phố Cao Lãnh, gắn với du lịch văn hóa về nguồn, tham quan Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; khôi phục phát triển các nghề dệt chiếu, đan lục bình, gắn với du lịch văn hóa về nguồn, tham quan Khu di tích Xẻo Quýt ở huyện Cao Lãnh và khu di tích Gò Tháp ở huyện Tháp Mười.

Sở Công Thương cũng hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia hội chợ, triển lãm; xây dựng đăng ký nhãn hiệu sản phẩm làng nghề. Đồng thời xây dựng khu trưng bày, bán sản phẩm lưu niệm của làng nghề kết hợp phục vụ du khách trong các tour du lịch văn hóa làng nghề và du lịch mua sắm...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Đồng Tháp đón 1.650.000 lượt khách tham quan (tăng 4,35% so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, hơn 40.000 khách quốc tế (tăng 23,72%), doanh thu 300 tỷ đồng (tăng 39,14 %)./.
Nguyễn Văn Trí

Có thể bạn quan tâm