Đồng Tháp: Giúp cựu chiến binh phát triển kinh tế từ nghề nuôi lợn rừng

Tổ Hợp tác nuôi heo rừng xã Long Thuận đã ký hợp đồng tiêu thụ với một công ty trong tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An – TTXVN
Tổ Hợp tác nuôi heo rừng xã Long Thuận đã ký hợp đồng tiêu thụ với một công ty trong tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An – TTXVN

Nhằm giúp hội viên cựu chiến binh phát triển kinh tế gia đình, Hội Cựu chiến binh xã Long Thuận, huyện biên giới Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Tổ hợp tác nuôi lợn rừng. Hơn 3 năm qua, Tổ hợp tác đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lợn rừng với một công ty trong tỉnh nên đầu ra ổn định, mang lại thu nhập, cải thiện kinh tế cho nhiều gia đình cựu chiến binh.

Đồng Tháp: Giúp cựu chiến binh phát triển kinh tế từ nghề nuôi lợn rừng ảnh 1Tổ Hợp tác nuôi heo rừng xã Long Thuận đã ký hợp đồng tiêu thụ với một công ty trong tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An – TTXVN

Tổ hợp tác nuôi lợn rừng xã Long Thuận có 27 cựu chiến binh tham gia, với số vốn đóng góp hơn 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm sẵn có tại vùng trồng rau màu của địa phương để làm thức ăn cho lợn nên Tổ hợp tác đã giảm được chi phí, tăng thu nhập trong quá trình chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, lợn rừng sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 6-10 con. Lợn con được nuôi đạt trọng lượng từ 20kg trở lên là xuất bán, với giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg.

Ông Ngô Văn Nhì, ngụ xã Long Thuận có thâm niên nuôi lợn hàng chục năm nay. Từ cuối năm 2018 đến nay, ông Ngô Văn Nhì góp vốn tham gia Tổ hợp tác nuôi lợn rừng vừa trực tiếp phụ trách nuôi lợn cho Tổ.

Theo ông Ngô Văn Nhì, so với lợn trắng (giống lợn truyền thống của địa phương), lợn rừng dễ nuôi, chi phí chăm sóc thấp. Lợn rừng có sức đề kháng tốt, ít khi mắc bệnh, thức ăn dễ tìm và giá rẻ như rau muống, rau lang, chuối cây…

Đồng Tháp: Giúp cựu chiến binh phát triển kinh tế từ nghề nuôi lợn rừng ảnh 2Heo đạt trọng lượng từ 20 - 30 kg được 1 công ty thu mua với giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. Ảnh: Nhựt An – TTXVN

Ông Trần Văn Qui, Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết, hơn 3 năm qua, Tổ hợp tác nuôi lợn rừng xã Long Thuận đã xuất bán lợn thịt 7 đợt, khoảng 450 con (trung bình 25kg/con), doanh thu 1,1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí như thuê đất, san lấp mặt bằng, xây dựng chuồng trại, mua con giống, thức ăn… Tổ hợp tác còn lãi trên 500 triệu đồng. Hiện nay, đàn lợn của Tổ hợp tác đang nuôi trên 60 con, chờ đủ trọng lượng để xuất bán.

Ông Trương Công Minh ở xã Long Thuận đã góp 20 triệu đồng vào Tổ hợp tác để nuôi lợn rừng. Đợt xuất bán lợn vừa qua của Tổ hợp tác, ông Trương Công Minh được chia lãi 6 triệu đồng. Tính đến nay, ông đã nhận đủ số tiền chung vốn và có lợi nhuận. Nhận thấy Tổ hợp tác nuôi lợn rừng hoạt động hiệu quả nên ông Trương Công Minh dự tính sẽ góp thêm vốn.

Tham gia Tổ hợp tác nuôi lợn rừng vừa giúp hội viên cựu chiến binh có thêm thu nhập vừa tăng tình đoàn kết gắn bó giữa các hội viên, ông Trương Công Minh cho hay.

Đồng Tháp: Giúp cựu chiến binh phát triển kinh tế từ nghề nuôi lợn rừng ảnh 3Heo rừng là loài dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc và ít tốn chi phí thức ăn. Ảnh: Nhựt An – TTXVN

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Thuận Trần Văn Qui cho biết, mô hình nuôi lợn rừng có nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả kinh tế nhưng vốn đầu tư ban đầu không nhỏ. Do vậy, đòi hỏi nhiều người cùng góp vốn thực hiện mô hình này. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hồng Ngự đã tạo điều kiện cho hội viên cựu chiến binh của xã Long Thuận vay tiền để chung vốn vào Tổ hợp tác nuôi lợn rừng. Mô hình này góp phần giúp nhiều cựu chiến binh phát triển kinh tế. Đến nay, Hội Cựu chiến binh xã Long Thuận không còn hộ hội viên nghèo, hộ cận nghèo giảm còn 1,5% và hộ khá, giàu chiếm khoảng 75%.

Đồng Tháp: Giúp cựu chiến binh phát triển kinh tế từ nghề nuôi lợn rừng ảnh 4Tổ Hợp tác nuôi heo rừng xã Long Thuận đã ký hợp đồng tiêu thụ với một công ty trong tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Từ hiệu quả mang lại, Hội Cựu chiến binh xã Long Thuận tiếp tục thành lập Tổ hợp tác nuôi lợn rừng thứ 2 tại ấp Long Thới A vào tháng 10/2021, với 13 thành viên. Hiện nay đàn lợn của tổ hợp tác này đang phát triển tốt.

Mô hình hợp tác nuôi lợn rừng của Hội Cựu chiến binh xã Long Thuận đang được xem là mô hình kinh tế mới ở huyện biên giới Hồng Ngự, góp phần tăng gia sản xuất tại hộ gia đình, giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm