Các cán bộ quản lý mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh xã Xuân Tây (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) tư vấn, tuyên truyền về luật hôn nhân và gia đình cho người dân. Ảnh: Lê Xuân - TTXVN |
Xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, là địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Chơ Ro có số lượng đông nhất. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông, cuộc sống khó khăn và trình độ dân trí không đồng đều là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, bạo lực gia đình mà người phụ nữ luôn là những người chịu thiệt thòi nhất.
Chị K.H (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) cho biết, 2 năm trước chị thường bị chồng bạo hành vì cứ đi nhậu say về là chồng chị đánh đập vợ con. Chị đã cam chịu, bị đòn mỗi ngày. Tuy nhiên, từ khi trong xã có mô hình nhà tạm lánh cho phụ nữ, chị và con gái đã không còn sợ nữa. Có lần bị chồng đánh, hai mẹ con chị ra nhà tạm lánh ở gần nửa tháng. Chồng chị được các cán bộ trong xã khuyên răn đã biết ăn năn, sửa đổi hành vi của mình.
Các cán bộ quản lý mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh xã Xuân Tây (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) tư vấn, tuyên truyền về luật hôn nhân và gia đình cho người dân. Ảnh: Lê Xuân - TTXVN |
Tại xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, mô hình "Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh" cho người yếu thế cũng giúp hàng chục trường hợp phụ nữ và trẻ em có nơi tạm lánh an toàn mỗi khi xảy ra mâu thuẫn. Bà Nguyễn Thị Hiệp, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, cho biết điểm tạm lánh này rất có ý nghĩa. Khi 2 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, đôi lúc còn xảy ra bạo lực trong gia đình, là người phụ nữ chân yếu tay mềm, không thể chống cự lại nên nếu cảm thấy bị nguy hiểm chúng tôi thường đến nhà tạm lánh.
Ông Đặng Văn Hoàng, Tổ trưởng “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” ấp 5 xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ cho hay, trong năm vừa qua, nhà tạm lánh đã tiếp nhận hàng chục trường hợp vợ chồng mâu thuẫn nhau. Hầu hết những người phụ nữ đến đây lúc nguy cấp, chờ đến khi người chồng bình tĩnh lại thì họ về nhà để giải quyết mâu thuẫn. Nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn chủ yếu là do người chồng nhậu say về nhà hành hung vợ con; khó khăn về kinh tế; ngoại tình; thiếu kỹ năng ứng xử trong cuộc sống dẫn tới bạo hành gia đình… Khi xảy ra mâu thuẫn trong gia đình, các nạn nhân được tư vấn tâm lý, trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, căng thẳng. Đồng thời, cán bộ ban quản lý mô hình trực tiếp xuống gặp gỡ, bằng những lời lẽ thấu tình đạt lý, khuyên giải, động viên vợ chồng sống hòa thuận hạnh phúc.
Ở huyện Cẩm Mỹ, mô hình "Địa chỉ tin cậy-Nhà tạm lánh" cho người yếu thế được triển khai tại 2 xã Xuân Tây và Xuân Mỹ với 16 điểm tư vấn ở nhà trưởng ấp, chi hội phụ nữ. Trong thời gian qua, để mô hình được thực hiện hiệu quả, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình tại các buổi họp tổ nhân dân... Huyện cũng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ ban quản lý mô hình, người làm việc tại các điểm "Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh" và người dân trên địa bàn.
Các cán bộ quản lý mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh xã Xuân Phú (Xuân Lộc, Đồng Nai) tuyên truyền về luật hôn nhân và gia đình cho người dân. Ảnh: Lê Xuân - TTXVN |
Ông Đào Công Từ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Mỹ cho biết, mô hình "Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh" được triển khai trên địa bàn huyện từ đầu năm 2018. Sau 2 năm triển khai, mô hình đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tại 16 nhà tạm lánh trên địa bàn huyện đã tiếp nhận hàng trăm nạn nhân các vụ bạo lực gia đình, trong đó có 5 vụ mâu thuẫn lớn. Các cán bộ quản lý mô hình đã tiến hành can thiệp, hòa giải thành công giúp các gia đình có tiếng nói chung, hòa thuận để xây dựng cuộc sống.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, mô hình "Địa chỉ tin cậy-Nhà tạm lánh" được tỉnh Đồng Nai triển khai thí điểm ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh. Qua 2 năm thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả cao, là địa chỉ tin cậy giúp nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới có nơi tạm lánh khẩn cấp, cách ly với người gây bạo lực; đồng thời giúp họ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản và phòng tránh bạo lực tiếp tục tái diễn.
Đặc biệt, địa chỉ này được mở nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hỗ trợ nạn nhân, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. Năm 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để đảm bảo xây dựng xã hội bình yên, bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi những nguy cơ bạo lực.
Lê Xuân