Các thiếu nữ dân tộc Mông sửa sang lại trang phục để chuẩn bị đi chơi Tết Độc lập. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN |
Về Than Uyên những ngày đầu tháng 9 này, du khách sẽ cảm nhận được không khí náo nức đón Tết Độc lập của nhân dân các dân tộc nơi đây, đặc biệt là dân tộc Mông. Trên mỗi nẻo đường từ bản làng đến trung tâm thị trấn, chúng ta sẽ bắt gặp ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông tự hào hướng về ngày Tết Độc lập. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng được địa phương tổ chức, nhằm khích lệ, động viên tinh thần của người dân khi một lòng hướng về Đảng, Bác Hồ. Gia đình anh Giàng A Cở ở bản Sắp Ngụa 1, xã Phúc Than, huyện Than Uyên cũng như bao gia đình dân tộc Mông khác ở Lai Châu, cứ đến gần ngày mồng 2/9 là anh cùng vợ lại tất bật dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ những bộ trang phục dân tộc và sắm sửa cho con cái những bộ trang phục mới để chuẩn bị đi chơi Tết Độc lập. Bởi theo quan niệm của người Mông, Tết Độc lập giống như tết chính của dân tộc mình, do đó mọi người từ già trẻ, lớn bé đều háo hức đến Tết Độc lập để được xuống huyện gặp gỡ vui chơi với bạn bè, người thân và các dân tộc khác. Anh Giàng A Cở cho biết, đến ngày mồng 2/9, bố mẹ phải chuẩn bị trang phục truyền thống của dân tộc mình, để các con cùng gia đình đi xuống huyện chơi Tết Độc lập. Trước khi đi chơi, gia đình thường tổ chức một bữa cơm vừa để sum họp gia đình, vừa để nhắc nhở con cháu đi chơi phải đảm bảo an toàn. “Người Mông chúng tôi có đi làm thuê, rồi đi đâu xa thì đến ngày 2/9 cũng về nhà để cùng gia đình ăn cái Tết Độc lập”, anh Giàng A Cở chia sẻ thêm.
Các thiếu nữ dân tộc Mông diện những bộ váy áo đẹp để đi chơi Tết Độc lập. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
|
Chị Giàng Thị Của ở bản Hua Đán, xã Khoen On, huyện Than Uyên cũng chia sẻ: “Trước ngày Tết Độc lập 2/9, mọi nhà người Mông chúng tôi đều cố gắng lao động để có tiền, để đến ngày Tết Độc lập như thế này được đi chơi, giao lưu và gặp gỡ với anh em, bạn bè, người thân của mình. Tôi mong muốn học hỏi, hòa đồng cùng các dân tộc khác, để người Mông có sự cố gắng phát triển kinh tế, năm nào Tết Độc lập cũng được vui chơi.” Chia sẻ với chúng tôi, anh Mùa A Mang, bản Tu San, xã Tà Mung, huyện Than Uyên cho biết: Trong ngày mồng Tết Độc lập 2/9, bản thân anh cũng như bà con dân tộc Mông mong muốn Đảng và Nhà nước cũng như các anh em, bạn bè giúp người Mông để củng cố, tổ chức phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của người Mông. Từ đó giúp người Mông gìn giữ được nền văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, tránh để người Mông nghe theo kẻ xấu dụ dỗ tin theo các hủ tục khác, đặc biệt là đạo trái phép... Theo bà Hoàng Thị Liễu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên, trong 1 năm đồng bào dân tộc Mông huyện Than Uyên có hai ngày Tết lớn, là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập mồng 2/9. Ngày Tết Độc lập mồng 2/9 thì có ý nghĩa hơn cả, bà con ở khắp các bản làng xúng xính trong bộ quần áo mới, cùng nhau xuống huyện để được giao lưu, trao đổi, gặp gỡ anh em, bạn bè. Đây cũng là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông huyện Than Uyên. Bà Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên cho biết, để lưu giữ những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc khác nói chung, Phòng Văn hóa và Thông tin đã tham mưu cho UBND huyện hàng năm tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc. Qua đó giới thiệu và quảng bá tiềm năng phát triển văn hóa và du lịch của huyện. Đồng thời nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Qua đây chúng tôi cũng muốn tạo không khí vui tươi phấn khởi cho bà con, nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong huyện và đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Các hoạt động vui chơi lành mạnh trong dịp Tết Độc lập của bà con các dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Lai Châu nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng đã góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, cũng cố tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước, niềm tin về Đảng, Bác Hồ kính yêu.
Công Tuyên