Đổi thay trên quê hương Châu Hưng

Đổi thay trên quê hương Châu Hưng

Phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương nhà trí thức yêu nước Huỳnh Tấn Phát, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Châu Hưng (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) không ngừng phấn đấu, xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2021 và trở thành đô thị loại V. Từ đó, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, trung tâm đô thị dần hình thành, các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển.

Đổi thay trên quê hương Châu Hưng ảnh 1Đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Người cộng sản kiên trung Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 - 30/9/1989) luôn trung thành với lý tưởng cộng sản, suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn gần gũi, quý trọng nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và Tổ quốc; có những cống hiến quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Ông đã tham gia xây dựng đường lối đổi mới đất nước trên các cương vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những đóng góp trên lĩnh vực kiến trúc với nhiều công trình, tác phẩm xuất sắc, góp phần xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Xã Châu Hưng nằm ở trung tâm của tiểu vùng I, huyện Bình Đại, với diện tích tự nhiên 1.200 ha; là vùng đất được bồi đắp bởi phù sa sông Ba Lai, có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với những vườn cây ăn trái, vườn dừa bạt ngàn, xanh ngát quanh năm. Kinh tế nơi đây ngày càng phát triển đi đôi với đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,19%, hộ cận nghèo là 1,2%; 100% hộ sử dụng điện an toàn, sử dụng nước sạch…

Bên cạnh đó, công tác giáo dục cũng được địa phương quan tâm hàng đầu. Hiện trên địa bàn có 3 ngôi trường cùng vinh dự mang tên Huỳnh Tấn Phát (từ bậc Tiểu học đến Trung học phổ thông). Các điểm trường được xây dựng khang trang, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, di tích đền thờ Huỳnh Tấn Phát (ở ấp Tân Hưng) từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạnh của địa phương.

Đổi thay trên quê hương Châu Hưng ảnh 2 Đường nông thôn ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Niềm vui, phấn khởi, tự hào trước những đổi thay của quê hương hiện rõ trên gương mặt của người dân Châu Hưng vào những ngày đầu năm mới Quý Mão. Ông Bùi Văn Châu (ấp Tân Hưng) chia sẻ, trước đây đường nông thôn ở xã còn sình lầy, đi lại khó khăn. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ và vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản thuận lợi và dễ dàng hơn.

Ông Bùi Văn Châu cho biết thêm, trên diện tích 5.000 m2 đất, ông trồng dừa xiêm (giống dừa ta), còn lại là vườn tạp. Được Hội Nông dân xã khuyến khích, khoảng 5 năm trở lại đây, ông mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dừa xiêm xen trồng nhãn, mang lại thu nhập cao. Nhờ đó, kinh tế của gia đình ngày càng phát triển.

Phát huy lợi thế, xã Châu Hưng chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, đồng thời vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, tiềm năng của địa phương. Qua đó, xuất hiện những mô hình sản xuất có hiệu quả như trồng bưởi da xanh, dừa xiêm, chăn nuôi vịt lấy trứng, chăn nuôi bò, dê… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, xã đã phát triển được gần 800 ha dừa, trong đó vùng nguyên liệu dừa hữu cơ gần 60 ha và hơn 100 ha cây ăn trái; phát triển chăn nuôi với 1.600 con bò, 1.500 con dê, 1.000 con lợn và 68.500 con gia cầm.

Đổi thay trên quê hương Châu Hưng ảnh 3Người dân xem trưng bày hình ảnh tại Đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Hưng Dương Văn Châm, trước đây, vùng đất ở khu vực Châu Hưng đa số là diện tích lúa kém hiệu quả, năng suất bấp bênh. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy xã, Hội Nông dân xã vận động bà con chuyển đổi sang trồng rau màu cho năng suất cao; trồng dừa uống nước kết hợp trồng xen bưởi da xanh hoặc nhãn. Một số người dân còn trồng xen thêm cỏ để phục vụ chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập trên cùng một diện tích của gia đình.

Nhằm phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong việc giữ gìn và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hướng đến tiêu chí đô thị loại IV, xã Châu Hưng đang triển khai mô hình dân vận khéo, sáng, xanh, sạch đẹp trên nhiều tuyến đường, tiêu biểu là tuyến đường vào đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát do Hội Nông dân xã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thanh Phong cho hay, Châu Hưng có nhiều đổi mới, nhất là ở lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-, văn hóa, xã hội. Đến nay, xã đã xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao và đô thị loại V. Hiện nhiều công trình giao thông đang được đầu tư xây dựng như tuyến đường 18, các tuyến đường trung tâm của xã... Các công trình trường học, trạm y tế cũng được đầu tư khá hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu dạy học và khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Châu Hưng, tiếp nối truyền thống của quê hương cách mạng, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền địa phương quyết tâm xây dựng và thực hiện các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cấp ủy đã xây dựng kế hoạch và phân công các đảng ủy viên phụ trách từng lĩnh vực phối hợp thực hiện ở các ấp. Đảng bộ xã đã xây dựng 2 chi bộ trong sạch vững mạnh toàn diện. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng tất cả các chi bộ trên địa bàn đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Công Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm