Trụ sở UBND xã Ia Mơ được đầu tư xây dựng khang trang ở khu vực biên giới. Ảnh: Dư Toán – TTXVN |
Năm 1975, hòa bình lập lại, vùng đất biên giới Ia Mơ có hai ngôi làng của đồng bào Jrai là làng Krông và làng Klăh, sinh sống ở khu vực giáp đường biên giới với nước bạn Campuchia. Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, đến nay, xã Ia Mơ đã hình thành 5 làng gồm: làng Krông, làng Klăh, làng Hnáp, làng Khôi và làng Ring, với 630 hộ và gần 1.600 nhân khẩu, người dân tộc thiểu số Jrai bản địa chiếm hơn 65%.
Hồ thủy lợi Ia Mơ. Ảnh: Dư Toán – TTXVN |
Già làng Ksor H’Lâm (sinh năm 1945, làng Krông, xã Ia Mơ) - nữ già làng tiêu biểu ở vùng biên giới, từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho biết, năm 1979 xã Ia Mơ tách thành hai xã Ia Mơ và Ia Lâu, nhân dân hai làng Krông và Klăh di dời nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt, gia súc, gia cầm… về vị trí thuộc trung tâm xã Ia Mơ hiện nay. Do người dân Jrai sống với rừng, dựa vào rừng để xây dựng cộng đồng nên khi ra khu ở mới, bà con thiếu kiến thức về sản xuất. Cùng với điều kiện địa hình hiểm trở, cách xa các khu trung tâm nên đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn.
Xã Ia Mơ trù phú hiện nay. Ảnh: Dư Toán – TTXVN |
Phát huy truyền thống của một xã anh hùng, nhân dân trong làng từng tham gia vận chuyển lương thực cho bộ đội, trực tiếp tham gia chiến đấu và nuôi dấu cán bộ trong thời kỳ kháng chiến nên dù gặp nhiều khó khăn, đồng bào Jrai vẫn quyết tâm một lòng theo Đảng, đoàn kết, chung tay xây dựng thôn, làng phát triển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần ổn định khu vực biên giới.
“Lúc đó tuy nghèo nhưng dân làng ai cũng hiểu Ia Mơ là khu vực biên giới nên phải vững mạnh về an ninh chính trị và là phên dậu vững chắc cho các vùng đệm nội địa. Một lòng theo Đảng, tin tưởng vào các chính sách của Nhà nước, bà con đã chăm lo phát triển kinh tế, bây giờ cuộc sống đã ổn định hơn nhiều rồi, trẻ em sinh ra đều được đến trường, có trạm y tế để khám sức khỏe, bà con ai cũng phấn khởi”, già làng Ksor H’Lâm tươi cười nói.
Mô hình trồng chanh dây của bà con xã Ia Mơ. Ảnh: Dư Toán – TTXVN |
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế ở các làng đồng bào Jrai bản địa, xã Ia Mơ và huyện Chư Prông cũng chú trọng phát triển mô hình làng thanh niên lập nghiệp tại làng Ring. Được thành lập năm 2005 với mục đích phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, lực lượng nòng cốt tại làng Rinh là những thanh niên tình nguyện ở các địa phương khác trong tỉnh đến lập nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1984) - Bí thư Chi bộ làng Ring chia sẻ: Trước đây, khi đang sống tại huyện Phú Thiện (Gia Lai), tôi biết được tỉnh có chủ trương đưa thanh niên các vùng lên Ia Mơ lập nghiệp nên đã bàn với gia đình lên đây sinh sống. Là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, nhất là vào mùa khô, Ia Mơ đã khiến không ít thanh niên phải từ bỏ ước mơ xây dựng kinh tế ở vùng biên giới. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và các tổ chức mặt trận, đoàn thể, tôi và gia đình đã nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, làng Ring có 123 hộ với 320 nhân khẩu. Người dân đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống dần ổn định và phát triển; thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm; y tế, giáo dục đều đầy đủ. Tại làng Ring có hộ thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Cánh đồng trồng lúa của bà con nhân dân làng Ring, xã Ia Mơ. Ảnh: Dư Toán – TTXVN |
Xã Ia Mơ cũng được tỉnh Gia Lai chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn. Toàn bộ tuyến đường vào khu vực trung tâm xã đã được bê tông hóa; các công trình công cộng như trạm y tế, trường học, sân vận động… đều được xây dựng, phục vụ nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe và giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Đặc biệt, công trình thủy lợi Ia Mơ được Chính phủ đầu tư từ năm 2010 với diện tích mặt nước trên 3.600 ha đang được hoàn thiện hệ thống kênh dẫn nước. Khi hoàn thành, công trình cung cấp nước tưới cho khoảng 12.500 ha, trong đó có 8.500 ha tại xã Ia Mơ và các địa phương lân cận, giải quyết nhu cầu nước tưới sản xuất nông nghiệp cho một vùng rộng lớn, giúp người dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.
Chiến sỹ Đồn biên phòng Ia Mơ hướng dẫn bà con trồng lúa nước trên mô hình trình diễn. Ảnh: TTXVN |
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết, sự đổi thay của xã kể từ khi giải phóng đến nay là nhờ vào sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông cùng với bề dày truyền thống cách mạng được nhân dân trên địa bàn xã phát huy. Vượt qua khó khăn sau chiến tranh, người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ cao trong cuộc sống; luôn đồng thuận, ủng hộ và tích cực tham gia các chương trình, phong trào do hệ thống chính trị và các tổ chức, đơn vị đứng chân trên địa bàn triển khai. Nhờ đó, kinh tế của địa phương ngày càng phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 8,25% vào cuối năm 2019 (giảm 5,37% so với năm 2018), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14,5 triệu đồng/năm.
Công trình Thủy lợi Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai) cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho người dân. Ảnh: TTXVN |
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Ia Mơ đã hoàn thành 9/19 tiêu chí; cơ sở hạ tầng được cải thiện, đời sống ngày một nâng cao...
“Người dân xã Ia Mơ luôn tin tưởng, đồng hành cùng với chính quyền địa phương trong mọi lĩnh vực. Xã Ia Mơ phấn đấu giảm số hộ nghèo xuống còn 5,25%, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2020. Cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng tôi tin tưởng rằng, Ia Mơ sẽ tiếp tục phát triển, xứng với danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ khẳng định.
Dư Toán