Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại tỉnh An Giang

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Chiều 23/8, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang để đánh giá việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2016 – 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại tỉnh An Giang ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Cùng đi với đoàn có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Chau Anne, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, An Giang là một tỉnh biên giới ở miền Tây Nam bộ, có gần 100km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia; có 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới; có 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên – huyện Tịnh Biên và Vĩnh Xương – thị xã Tân Châu), 2 cửa khẩu quốc gia là Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) và 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai (huyện An Phú).

Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại tỉnh An Giang ảnh 2Ông Chau Anne, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Là tỉnh vừa có núi vừa có đồng bằng, An Giang có diện tích đất tự nhiên 353.676 ha, trong đó có 297.772 ha đất sản xuất nông nghiệp (trồng lúa chiếm trên 84%). Dân số toàn tỉnh hơn 2,1 triệu người với 29 dân tộc sinh sống, gồm 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn 28 dân tộc thiểu số chiếm 5,26% (tương đương 119.216 người) dân số toàn tỉnh; trong đó, dân tộc Khmer có 93.717 người (chiếm 4,2%), dân tộc Chăm 15.327 người (chiếm 0,67%), dân tộc Hoa 10.079 người (chiếm 0,38%) và 25 dân tộc thiểu số khác sống rải rác trên địa bàn. Mỗi dân tộc thiểu số ở An Giang đều có những nét riêng.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của bà con. Đến nay, cơ bản các ấp, xã đặc biệt khó khăn được đầu tư về cơ sở hạ tầng để phấn đấu thực hiện các mục tiêu về nông thôn mới; hệ thống đường giao thông được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản; hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu về tưới tiêu trong sản xuất; số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; 100% số hộ dân có điện. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, nghề truyền thống của đồng bào được khôi phục, phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm; công tác bảo vệ và phát triển dân số dân tộc được các cấp, các ngành chú trọng triển khai. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới tiếp tục được giữ vững, ổn định.

Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2021-2025, tỉnh An Giang có 7 xã khu vực III và 9 xã thuộc khu vực I. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh An Giang có 60/116 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,72%; riêng 18 xã, phường, thị trấn biên giới có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc), 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt xã văn hóa nông thôn mới và 1 phường đạt chuẩn đô thị văn minh (phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc).

Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại tỉnh An Giang ảnh 3Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của tỉnh đạt 45 triệu đồng/người/ năm. Giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 151.000 lao động (lao động vùng biên giới, dân tộc chiếm khoảng 55%); đã đào tạo nghề cho gần 139.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên từ 53,3% năm 2016 lên 66,58% năm 2021.

Đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,37%; 100% các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới đều hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở; sóng điện thoại, phát thanh, truyền hình, mạng internet được phủ rộng khắp.

Các Chương trình mục tiêu quốc gia được lồng ghép một cách có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh vào cuối năm 2021 là 0,87%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố biên giới là 1,45%; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh là 5,15%.

Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo đều tuân thủ theo quy định pháp luật và thực hiện đúng Hiến chương, nội quy, quy chế của các tôn giáo,...

Tại buổi làm việc, các đại biểu trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề về kết quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2016 – 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang; đánh giá những bất cập và thuận lợi, khó khăn khi triển khai…

Thực tế, cơ sở hạ tầng tại 18 xã thuộc 5 huyện biên giới của tỉnh hiện còn nhiều khó khăn, tỉnh khó xây dựng những chính sách đặc thù cho các địa phương này. Do đó, tỉnh An Giang kiến nghị Hội đồng Dân tộc kiến nghị Quốc hội xem xét ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện cho kết nối liên vùng, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch, phát triển kinh tế cửa khẩu, thu hút đầu tư và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đồng thời, cần xây dựng, đề án chính sách dân tộc phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, dân tộc để phát huy hiệu quả hơn; đầu tư xây dựng các cụm tuyến dân cư cho đồng bào dân tộc Chăm

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Trưởng đoàn công tác đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2016 – 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh An Giang tăng cường quan tâm, chỉ đạo sát sao việc triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng tất cả chính sách một cách kịp thời, đúng đối tượng.

Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại tỉnh An Giang ảnh 4Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, thời gian tới tỉnh An Giang cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng một số chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số và miền núi để thu hút đầu tư…

Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ ghi nhận và cập nhật vào báo cáo trình Hội đồng Dân tộc.

Trong Chương trình giám sát, ngày 22 và sáng 23/8, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tình hình đời sống của bà con dân tộc cũng như việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh tại hai huyện biên giới có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống là Tịnh Biên và Tri Tôn.

Công Mạo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm