Định hướng không gian phát triển mới vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Định hướng không gian phát triển mới vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Tại “Hội nghị điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chủ đề: Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, chiều 1/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Từ đó, tạo ra các động lực, tiềm năng, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.

Định hướng không gian phát triển mới vùng Trung du và miền núi phía Bắc ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: baodautu.vn

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2022 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, hiện nay đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã thẩm định xong; trong đó, có 17 quy hoạch ngành quốc gia và 8/14 quy hoạch tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, là “phên dậu”, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia và có vai trò quyết định đối với nguồn năng lượng, nguồn nước và môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Tuy nhiên, tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng, thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc và càng quan trọng hơn đó là việc nhận thức đúng về vị thế, đặc trưng, tiềm năng và thách thức của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo đó, các cơ hội có thể kể đến như: sự đa dạng sắc tộc, coi sự đa dạng này là một lợi thế trong kinh tế sáng tạo, xu hướng phát triển thuận thiên, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, tín chỉ carbon; chuyển dịch chuỗi cung ứng tới Việt Nam. Khả năng thu hút đầu tư vào ngành mới do nâng cấp quan hệ đối tác; các xu hướng du lịch quốc nội và quốc tế; cũng như cơ chế, chính sách từ Trung ương để thúc đẩy các nền tảng hạ tầng cho phát triển.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Dũng cho biết, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới với 6 nội dung trọng tâm. Đó là, cụ thể hóa những nội dung trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua và kế thừa, phát huy những nội dung ưu việt trong quy hoạch vùng thời kỳ trước, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã đề xuất phân vùng thành các tiểu vùng chi tiết hơn để tạo ra các khu vực có liên kết chặt chẽ và có khả năng chia sẻ hạ tầng hiệu quả hơn.

Theo đó, Quy hoạch đã làm rõ cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 4 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế, 3 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng. Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã làm rõ phương hướng phát triển của mỗi hành lang, vành đai, các cực tăng trưởng đã được xác định theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và bổ sung hai cực tăng trưởng cũng như cụ thể hóa định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế của vùng.

Tiếp đó, đề ra chiến lược vùng về sinh thái và môi trường, với quan điểm xác định cảnh quan hùng vĩ, môi trường trong lành và một hệ thống rừng quy mô lớn là đặc trưng nổi bật của vùng. Đây vừa là tiềm năng nổi bật để thu hút du lịch và kiến tạo môi trường sống chất lượng cao, vừa là nền tảng cho vai trò quốc gia trọng yếu của vùng.

Định hướng không gian phát triển mới vùng Trung du và miền núi phía Bắc ảnh 2Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ hai. Ảnh: baodautu.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất, có chiến lược vùng để bảo tồn, phát huy sự đa dạng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực. Nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng, cần được phát triển theo hướng bền vững hơn; tránh theo xu hướng tối đa hóa sản lượng, quan tâm hơn đến chất lượng, hiệu quả. Cơ cấu ngành nông nghiệp nên tránh nặng về thâm canh lúa với năng suất tuy cao nhưng chi phí lớn và giá trị gia tăng thấp. Đồng thời, đảm bảo tài nguyên đất và nước không bị khai thác cường độ cao gây suy thoái và ô nhiễm.

Bên cạnh đó, tăng tỷ trọng cơ cấu các ngành phi nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ với các quy mô phù hợp địa phương, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tại chỗ; hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn thiện và tối ưu hóa thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.

Cuối cùng là kết cấu hạ tầng của vùng cần được hoàn thiện tương xứng với yêu cầu phát triển. Kết nối hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng cần được đầu tư để đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa, giảm sự cách biệt lớn giữa các địa phương trong vùng. Ưu tiên phát triển, hoàn thiện các tuyến cao tốc xương sống của mỗi tiểu vùng; nâng cấp kết nối Đông – Tây.

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham vấn, lấy ý kiến của các thành viên, ủy viên của Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.

“Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Thúy Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm