Nhiều hộ ông dân ở xã Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) trồng rau sạch đem lại thu nhập ổn định Ảnh: A Trư |
Mục tiêu lớn nhất của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống của nhân dân. Vì vậy, thời gian qua, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã quan tâm chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh việc quy hoạch đề án xây dựng NTM và tăng cường công tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho nhân dân.
Theo đó, các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên đã tích cực hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất… cũng được chú trọng thực hiện. Qua đó, các tỉnh đã phát huy được những cách làm sáng tạo, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Hiện nay, toàn vùng đã có trên 1.000 mô hình trồng trọt và chăn nuôi có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và hàng ngàn mô hình do nhân dân tự đầu tư kinh phí xây dựng, phát triển có hiệu quả. Có thể nói, với việc các mô hình sản xuất phát triển hiệu quả đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn. Điều đó thể hiện ở chỗ, trong giai đoạn 2011-2014, toàn vùng Tây Nguyên có 94.769 hộ thoát nghèo (bình quân mỗi năm giảm 2,93%) và mục tiêu đến cuối năm 2015 còn 121.500 hộ nghèo.
Qua thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên đã có 281/600 xã đạt tiêu chí thu nhập (chiếm 46,8%); 530/600 xã đạt tiêu chí cơ cấu lao động (chiếm 88,3%) và 329/600 xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất (chiếm 54,8%)…
Giao thông nông thôn ở xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) - xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của Đắk Nông được trải nhựa sạch đẹp |
Qua 5 thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong 19 tiêu chí thì ở nhiều tiêu chí, lĩnh vực đã có những chuyển biến đậm nét.
Đơn cử như tiêu chí về giao thông, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách khó khăn, các tỉnh đã vận dụng các cơ chế, chính sách, có nhiều cách làm mới, phù hợp với thực tiễn như: Đổi đất lấy hạ tầng; Nhà nước hỗ trợ vật tư, nhân dân hiến đất đai, góp tiền và công sức…
Mặt khác, việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đã tạo thêm nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông nông thôn. Đến nay, đã có 143/600 xã đạt tiêu chí về giao thông (chiếm 23,8%).
Về tiêu chí chợ nông thôn, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như ngân sách nhà nước, các dự án ODA và kêu gọi xã hội hóa… đã góp phần giải quyết một phần nhu cầu thương mại, giao dịch hàng hóa tại khu vực nông thôn. Hiện nay, 5 tỉnh Tây Nguyên đã có 269/600 xã đạt tiêu chí về chợ (chiếm 44,8%).
Về tiêu chí nhà ở dân cư, thông qua các chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đã xóa được nhiều ngôi nhà tạm, nhà dột nát, bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng đã chủ động đầu tư sửa chữa nhà cửa bảo đảm theo tiêu chí “3 cứng”, hàng rào, ngõ xóm được chỉnh trang, tạo cảnh quan nông thôn sạch đẹp.
Hiện nay, toàn khu vực có 207/600 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư (chiếm 34,5%)… Nổi bật nhất phải kể đến đó là tiêu chí về điện, hiện nay, hệ thống lưới điện ở khu vực nông thôn không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới. Tính đến nay, trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên đã cơ bản cung cấp đủ điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho khu vực nông thôn, với 465/600 xã đạt tiêu chí về điện (chiếm 77,5%).
Nhiều mô hình sản xuất của người dân ngày càng phát huy hiệu quả |
Tính đến nay, trên toàn khu vực đã có huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; 45 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; 16 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí… Bình quân mỗi xã đạt 10,66 tiêu chí, tăng 6,73 tiêu chí so với năm 2011.
Bài
Báo Đắk Nông