Công trình xây dựng kênh mương nội đồng được xây dựng trên cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên). Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Điện Biên sẽ tập trung nguồn lực trong khả năng cân đối của tỉnh, ưu tiên đầu tư cho các xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và các xã còn dưới 5 tiêu chí; trong đó sẽ ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tỉnh xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất để tăng thêm thu nhập cho nông dân; xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh; tổ chức sản xuất cánh đồng lớn, các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa và các mô hình kinh tế trang trại. Hơn nữa, nhằm giúp phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự hiệu quả, tỉnh sẽ gắn các chỉ tiêu cụ thể với thi đua khen thưởng cuối năm; chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến, những tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện định kỳ để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, thông tin sâu rộng và vận động toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện, nâng cao các cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đánh giá, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Điện Biên cơ bản không có nhiều thuận lợi, nhất là việc xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên được chọn là 1 trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới trong cả nước của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Sau khi xã Thanh Chăn hoàn thành được 19 tiêu chí và xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 đã tạo nên phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới rộng khắp trong toàn tỉnh. Qua đó, nhận thức của cán bộ và nhân dân được nâng lên; tổ chức bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình các cấp từ tỉnh đến các xã và các thôn, bản được kiện toàn và đi vào hoạt động có hiệu quả. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn từ năm 2016 đến hết tháng 6/2018, Điện Biên đã có 16 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; 13 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 63 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí; còn 24 xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 44 xã so với năm 2015. Bình quân số tiêu chí trên xã đạt 8,11 tiêu chí, tăng 2,11 tiêu chi so với năm 2015. Thuận lợi ít, tuy nhiên theo ông Lò Văn Tiến, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên lại gặp phải rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới rất thấp, năm 2011 khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, bình quân số tiêu chí/xã trên địa bàn toàn tỉnh chỉ đạt 1,4 tiêu chí. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ; là địa phương có rất nhiều bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, hệ thống thông tin tuyên truyền còn hạn chế. Ngoài ra, nhu cầu vốn cho xây dựng nông thôn mới rất lớn, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, song nguồn thu ngân sách của địa phương còn thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách trung ương; nguồn vốn lồng ghép và nguồn vốn trực tiếp cho chương trình chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế do đời sống nhân dân còn thấp, trên địa bàn ít doanh nghiệp...
Xuân Tư