Ảnh minh họa: Người dân vẫn thả rông chó. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Điện Biên hiện vẫn là một trong những tỉnh có số ca mắc dại cao nhất trong cả nước. Từ năm 2010 – 2017, tỉnh Điện Biên có 40 trường hợp tử vong do bệnh dại. Ba tháng đầu năm 2018, hơn 1.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, hai trường hợp tử vong tại huyện Mường Nhé và Mường Ảng do chủ quan không đến tiêm vắc xin. Số mũi tiêm vắc xin dại phải tiêm thống kê đến thời điểm hiện tại là hơn 6.800 mũi, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Dương Thị Quỳnh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Điện Biên, dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền song nhận thức về phòng chống bệnh dại của người dân trên địa bàn vẫn còn kém. Hiện tượng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm và cắn người nơi công cộng vẫn còn phổ biến. Tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn còn rất thấp, hiện chỉ đạt khoảng 40%. Đáng lưu ý là nhiều người bị chó cắn còn rất chủ quan, không đến các cơ sở y tế để tiêm phòng.
Mới đây, UBND tỉnh Điện Biên đã có công điện gửi các đơn vị, địa phương trong tỉnh chủ động phòng, chống bệnh dại. Theo đó, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các phòng, đơn vị chuyên môn và chính quyền các xã khẩn trương thống kê, rà soát tổng đàn chó mèo; tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin dại cho đàn chó nuôi; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết chấp hành việc nuôi giữ trong khuôn viên gia đình, thực hiện xích nhốt, rọ mõm chó nuôi theo quy định để ngăn ngừa, giảm thiểu các trường hợp chó cắn người, giảm thiểu nguy cơ chó nhà bị chó dại tấn công; tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại theo quy định.
Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý chó mắc bệnh dại, nghi dại; cung ứng vắc xin dại cho các địa phương triển khai tiêm phòng; chỉ đạo, đôn đốc tiêm phòng vắc xin dại trên địa bàn, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa.
UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị thông tin trong tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu mắc và cách phòng tránh; tuyên truyền nâng cao trách nhiệm người nuôi chó với cộng đồng, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế các trường hợp chó mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý. Người dân khi bị chó mèo cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng.
Xuân Tư