Bể chứa nước sạch của một gia đình Đội 14 bỏ hoang. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Cũng giống như nhiều hộ dân ở Đội 14, xã Thanh Chăn, ông Lò Văn Xiên phải dùng nguồn nước từ giếng hơn 3 năm nay. Nguồn nước giếng thường bị phèn và nhiễm tạp chất nhưng gia đình ông vẫn phải sử dụng để sinh hoạt hàng ngày. Đường ống của công trình nước sạch vẫn còn đó nhưng đã lâu không còn giọt nước nào. Ông Lò Văn Xiên cho biết, giếng nước ở phía sau nhà nay đã không còn cung cấp đủ nước sinh hoạt cho gia đình nên cách đây 2 tháng, ông lại phải đào thêm một giếng nước mới ở phía trước nhà để có nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Đồng cảnh ngộ, ông Lò Văn Chiêng ở Đội 14, xã Thanh Chăn cho biết: Khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con được cung cấp nguồn nước sạch theo dự án để sử dụng. Thế nhưng hơn 3 năm nay, đường nước sạch rất thất thường, lúc có lúc không rồi ngắt hẳn, chúng tôi lại phải quay trở lại sử dụng nguồn nước giếng. Vào mùa mưa, nước giếng không trong nên chỉ sử dụng tắm giặt, nguồn nước uống hằng ngày phải đi lấy ở mó nước xã Thanh Luông, huyện Điện Biên.
Thiết bị lọc nước tại một công trình cung cấp nước sạch tại xã Thanh Chăn. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Được biết khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Chăn được đầu tư hai dự án về cấp nước sinh hoạt do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Theo đó, hai dự án “Nước sinh hoạt xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên” năm 2009 và “Cấp nước sinh hoạt liên bản xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên” năm 2010 được phê duyệt và đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí đầu tư 16 tỷ đồng (thường gọi là công trình cấp nước Huổi Bẻ và Huổi Cưởm). Theo mục tiêu ban đầu, hai công trình này được xây dựng để cung cấp nước cho tất cả các thôn, bản trong xã với hệ thống lọc nước đáp ứng các tiêu chuẩn nước sinh hoạt nông thôn.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn Phạm Minh Tiệp, thời gian mà hai công trình nước sạch này có thể cung cấp nước sạch cho gần 100% người dân trong xã chỉ duy trì được khoảng 3 năm đầu sau khi hoàn thành, những năm sau nước yếu dần. Đến nay, toàn xã chỉ có khoảng trên 50% hộ dân được sử dụng nguồn nước của hai công trình này, song cũng trong tình trạng thất thường, ngày có nước ngày không có nước. Gần 50% hộ còn lại phải khắc phục bằng cách cải tạo lại giếng nước cũ hoặc đầu tư giếng khoan. Tuy vậy, nguồn nước này nhiễm nhiều tạp chất và không hợp vệ sinh, do đó chính quyền xã đã tuyên truyền người dân khắc phục bằng bể lọc để sử dụng.
Một hộ dân dùng nước giếng khoan ở Đội 14, xã Thanh Chăn. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Cũng theo ông Phạm Minh Tiệp, nguyên nhân hai công trình cấp nước không đáp ứng được nhu cầu của người dân trong xã là do công trình bị xuống cấp. Hệ thống đường ống dẫn nước được làm bằng ống thép tráng kẽm nên qua thời gian sử dụng bị gỉ sét bám vào đường ống làm hạn chế lưu lượng chảy. Mặt khác, do khi triển khai, hệ thống công tơ nước được đưa sát vào khu vực sử dụng của các hộ dân ở trong nhà nên khó khăn trong công tác quản lý. Nhiều hộ dân thiếu ý thức đã lợi dụng tháo đầu nối công tơ nước để sử dụng khiến lượng nước bị thất thoát.
Để giải quyết thực trạng này, ông Hoàng Văn Tịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Đơn vị đã xây dựng kế hoạch, sử dụng nguồn kinh phí mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn (vay vốn Ngân hàng Thế giới WB) để đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước của xã Thanh Chăn. Hiện dự án đã được phê duyệt và sẽ sớm được thi công để cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân trong xã Thanh Chăn.
Xuân Tư – Tuấn Anh