Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Giang trao tặng bò giống cho gia đình ông Nguyễn Đức Linh thôn Chung xã Việt Lâm. Ảnh: hagiangtv.vn |
Nằm liệt một chỗ, thân hình gầy gò, chân tay co quắp run rẩy, co giật liên hồi, nhưng ông Bùi Hòa Bình, ở tổ 1, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, nạn nhân da cam/dioxin vẫn tươi cười khi có khách đến thăm. Giọng nói của ông Bình đến nay không còn được rõ tiếng do biến chứng bởi di chứng của chất độc da cam/dioxin. Do ảnh hưởng của chất độc da cam, từ năm 1991, ông Bình được điều trị tâm thần tại Hà Nội, những năm gần đây do sức khỏe yếu nên vợ chồng người em gái đã đón ông về nhà chăm sóc. Bố mẹ đều mất, vợ con bỏ đi, giờ ông chỉ còn người em gái là chỗ dựa duy nhất lúc cuối đời. Vợ chồng chị Bùi Bích Hoàng, em gái ông Bình cũng không mấy khá giả gì, tần tảo nuôi hai con ăn học, cuộc sống đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. “Ngoài phần trợ cấp cho người có công, các anh chị em trong nhà, các tổ chức đoàn thể cũng đã quan tâm giúp đỡ gia đình nhiều. Nay mức di chứng của anh tôi ngày càng nặng, tôi mong muốn các cơ quan chức năng giám định lại để được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, để gia đình bớt khó khăn hơn, anh tôi cũng phần nào nguôi ngoai đi nỗi đau trong mình” – chị Hoàng chia sẻ. Cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Giang đi tặng quà, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thế Đường, sinh năm 1940, ở thôn Châng, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang. Ông Đường nhập ngũ năm 1966, tham gia hoạt động chiến đấu tại chiến trường Lào cho đến năm 1972 về Quảng Trị rồi phục viên. Năm nay 79 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời, mang trong mình chất độc da cam, cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn. Hôm nay, niềm vui hạnh phúc bừng lên trên khuôn mặt khắc khổ của ông Đường khi được tặng bò. Ông Đường cho biết: “Gia cảnh khó khăn, bản thân thì bệnh tật, là gánh nặng của gia đình. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và những nhà hảo tâm, gia đình đã phần nào bớt cơ cực. Hôm nay được tặng bò để phát triển kinh tế, gia đình rất là mừng” - ông Đường vui vẻ nói. Tính đến thời điểm tháng 7/2019, toàn tỉnh Hà Giang có 1.049 nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang được hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó 809 nạn nhân thế hệ thứ nhất, 240 nạn nhân thế hệ thứ hai. Tỉnh còn có 1.099 trường hợp bị phơi nhiễm, những người này đều đã qua chiến đấu và phục vụ chiến đấu nhưng chưa được hưởng chế độ vì nhiều lý do khác nhau. Ông Dương Tiến Soạn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Giang cho biết, so với các tỉnh miền xuôi, nạn nhân da cam của Hà Giang chưa hẳn nhiều, nhưng khó khăn bởi họ ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế. Hơn thế, các nạn nhân chất độc da cam hiện nay hầu hết đã già, bệnh tật ngày càng nặng thêm. Họ là những người đang rất cần sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng. “Mục tiêu chính của chúng tôi trong năm nay là xóa nhà tạm cho những nạn nhân da cam đang có hoàn cảnh đặc biết khó khăn về nhà ở. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, các huyện, thành Hội đã vận động hỗ trợ làm nhà và sữa chữa nhà cho 8 gia đình nạn nhân, trị giá 260 triệu đồng; hỗ trợ khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và trung ương cho 15 đồng chí với chi phí 39 triệu đồng, ông Soạn cho biết. Thông qua tuyên truyền vận động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Giang cũng tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các cá nhân, doanh nghiệp để có nguồn kinh phí cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế trên địa bàn huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và thành phố Hà Giang. Hình thức hỗ trợ là tặng trâu, bò giống để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. “Nỗi đau mang tên da cam là nỗi đau không chỉ của riêng ai, đó là nỗi đau của cả dân tộc, chính vì vậy, chúng ta cần phải chung tay chăm sóc các nạn nhân và gia đình họ, đây là trách nhiệm, lương tâm của mỗi người. Hà Giang hiện có 1.099 đồng chí đã qua chiến đấu và phục vụ chiến đấu bị phơi nhiễm. Trăn trở lớn nhất của chúng tôi hiện nay là các nạn nhân này chưa được hưởng chế độ. Chúng tôi mong các cấp ủy đảng chính quyền và Nhà nước nhanh chóng làm các thủ tục giấy tờ và giúp đỡ cho các nạn nhân được hưởng chế độ” - ông Soạn trăn trở.
Nguyễn Chiến