Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn trường đại học. Ảnh: Quý Trung |
Điểm chuẩn sẽ tăng
Thứ trưởng GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, chiều 28/7, hội đồng xét ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp, công bố ngưỡng điểm, để các trường dựa vào đó đưa ra điểm chuẩn chính xác của mình. Ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu sẽ vẫn là tổng điểm 3 môn của 5 tổ hợp. Với nhiều tổ hợp mới, các trường có thể đề xuất hoặc hội đồng xét ngưỡng đưa ra nguyên tắc chung để trường dựa vào đó xét tuyển.
Một số trường ĐH tốp đầu, tốp giữa cho biết, điểm xét tuyển đầu vào nguyện vọng 1 sẽ tăng hơn 1 - 2 điểm so với năm ngoái. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, các trường đưa ra những tiêu chí khác nhau.
Cụ thể với Học viện Tài chính với những ngành có tổ hợp xét tuyển là các môn toán - lý - hóa; toán - lý - Anh, thí sinh có điểm thi môn toán cao hơn sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển với những ngành mới mở như ngành ngôn ngữ Anh và hệ thống thông tin. Năm 2014, điểm chuẩn vào Học viện Tài chính thấp nhất là 20,5 điểm, cao nhất là 24,5 điểm.
Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, điểm trúng tuyển vào từng ngành phải cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD - ĐT ít nhất 2 điểm. Trường hợp tại mức điểm xét tuyển nhất định, số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu và nếu lấy tăng lên 0,25 điểm thì số thí sinh trúng tuyển lại thiếu so với chỉ tiêu, trường sẽ xét riêng điểm từng môn thi phù hợp với ngành đăng ký xét tuyển (ví dụ, thí sinh xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh có điểm thi Tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển).
Trường ĐH Y Hà Nội yêu cầu thí sinh xét tuyển hệ bác sỹ (Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học Cổ truyền, Y học dự phòng) phải có tổng điểm trung bình 6 học kỳ tại THPT của 3 môn toán, hóa, sinh bằng hoặc cao hơn 21 điểm. Đối với hệ Cử nhân (Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Y tế Công cộng, Xét nghiệm Y học, Cử nhân Khúc xạ) , thí sinh phải có tổng điểm trung bình của 3 môn toán, sinh, hóa bằng hoặc cao hơn 18 điểm ở 6 học kỳ THPT (kể cả thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).
Ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho biết, trường dự kiến sẽ nhận hồ sơ xét tuyển từ ngưỡng tối thiểu mà Bộ GD - ĐT quy định. Sau đó, trường sẽ xét theo độ dốc để công bố điểm trúng tuyển vào trường với 3.500 chỉ tiêu. Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Thủy lợi thấp nhất là 15 điểm, cao nhất là 18 điểm.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm cho biết, dự kiến điểm chuẩn các ngành vào trường năm nay sẽ cao hơn năm 2014, trong đó môn toán sẽ nhân hệ số 2 ở tất cả các ngành. Bên cạnh đó yêu cầu thí sinh có hạnh kiểm 6 học kỳ đều đạt loại khá trở lên. Năm 2014, điểm chuẩn vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội thấp nhất là 17 điểm, cao nhất là 25 điểm.
Cân nhắc lựa chọn trường
Với những thay đổi trong việc nộp hồ sơ xét tuyển thì đến phút chót thí sinh mới biết được mình có đỗ hay không. Do các trường cứ 3 lần cập nhật thông tin một lần trong vòng 20 ngày, nên phải đến những ngày cuối thí sinh mới chắc chắn được về khả năng đỗ hay trượt. Chỉ thí sinh nào có điểm cao hơn điểm trúng tuyển của năm ngoái ít nhất 2 điểm thì mới chắc chắn về việc đỗ. Thí sinh Nguyễn Hoàng Trang (Yên Mô, Ninh Bình) là một trong những thí sinh đang trong tâm trạng hồi hộp.
Tổng kết quả 5 môn kỳ thi THPT quốc gia của Trang khá cao, 38 điểm. Trang cho biết, em dự định đặt đơn vào hai trường ĐH Thương Mại và ĐH Ngoại Thương với số điểm 24 điểm khối D và 22 điểm khối A, là số điểm được đánh giá “vừa tầm” để đỗ. Nhưng với phổ điểm năm nay khá cao, nên Trang vẫn băn khoăn.
“Em rất mong muốn được vào học khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương Hà Nội. Như tổ hợp điểm của em thì năm ngoái chắc chắn đỗ, thêm nữa em được cộng điểm khu vực. Nhưng năm nay, cứ 3 ngày trường sẽ cập nhật số hồ sơ nộp vào. Thời điểm cập nhật này diễn ra trong vòng 20 ngày, như vậy, những ngày cuối cùng có thể lượng hồ sơ sẽ dồn nhiều và cơ hội đỗ rất mong manh. Trừ những bạn được điểm cao hẳn là 26, 27 điểm thì mới chắc chắn cơ hội đỗ”.
“Để cập nhật được số hồ sơ nộp vào, chúng em có một nhóm “canh” mạng Internet. Mặc dù, Bộ nói tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội hơn nhưng cảm giác lo lắng và cạnh tranh trong 20 ngày sẽ rất nhiều áp lực. Đặc biệt, những ngày cuối là những ngày chốt hạ”, Trang tâm sự.
Năm nay Bộ GD - ĐT cho phép mỗi thí sinh có tới 4 nguyện vọng để xét tuyển nhằm tránh rủi ro thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học và việc thí sinh ảo. Cùng với phương thức này, nhiều trường ĐH, CĐ đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau để chọn lọc thí sinh. Vì vậy, lời khuyên chung cho các thí sinh là cần tỉnh táo lựa chọn nguyện vọng 1, không nên vội lựa chọn những ngành hot, điểm cao, vì khi đó chỉ cần chênh lệch từ 0,25 điểm, các em có thể bị loại.
Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu xét tuyển nguyện vọng 1. ĐH Bách Khoa Hà Nội năm ngoái có ngành thấp nhất là 18 điểm, năm nay sẽ tăng từ 1- 2 điểm. Những ngành điểm chuẩn thấp sẽ tăng, ngành cao sẽ chững lại, nếu có tăng thì chỉ ở một số ít ngành và tăng không nhiều. Bên cạnh đó, trường đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển chung cho từng nhóm ngành. Thí sinh cũng nên đăng ký cả 4 nguyện vọng để tránh trường hợp phải rút hồ sơ liên tục trong quá trình xét tuyển.
“Không nên tập trung chỉ chọn ngành hot, mà thí sinh nên tham khảo đầu vào từng ngành của năm ngoái để cân đối một cách hợp lý. Căn cứ vào phổ điểm, hầu hết các trường đều tăng điểm xét tuyển đầu vào so với năm ngoái. Và thường xuyên cập nhật theo dõi thông tin qua website của trường. Đồng thời, lưu ý những ngày cuối trong cập nhận hồ sơ”, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương đưa ra lời khuyên đối với thí sinh trong việc nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. Được biết, trường ĐH Ngoại thương dự kiến tăng điểm xét tuyển năm nay cao hơn so với năm ngoái từ 1- 1,5 điểm.
Báo Tin Tức