Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 1/5 đến 16 giờ ngày 2/5, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.123 ca mắc mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 3.122 ca ghi nhận trong nước (giảm 595 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 2.615 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (761 ca), Phú Thọ (185 ca), Yên Bái (176 ca), Quảng Ninh (151 ca), Bắc Ninh (150 ca), Tuyên Quang (132 ca), Vĩnh Phúc (124 ca), Lào Cai (123 ca), Nghệ An (116 ca), Hưng Yên (101 ca), Thái Bình (92 ca), Quảng Bình (73 ca), Thái Nguyên (71 ca), Bắc Kạn (70 ca), Hà Tĩnh (68 ca), Đà Nẵng (61 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (50 ca), Hải Dương, Cao Bằng (mỗi tỉnh 47 ca), Lâm Đồng (45 ca), Sơn La (31 ca), Ninh Bình (29 ca), Hà Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Nam (mỗi tỉnh 28 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (26 ca), Nam Định (23 ca), Bình Phước (22 ca), Phú Yên (21 ca), Quảng Ngãi (20 ca), Quảng Trị (20 ca), Cà Mau (18 ca), Quảng Nam (17 ca), Bình Dương (15 ca), Gia Lai (14 ca), Lai Châu, Điện Biên, Đồng Nai (mỗi tỉnh 13 ca), Hòa Bình (12 ca), Hải Phòng, Tây Ninh (mỗi địa phương 11 ca), Bến Tre (9 ca), Khánh Hòa (7 ca), Bạc Liêu (5 ca), Bình Thuận, Trà Vinh (mỗi tỉnh 3 ca), Thừa Thiên Huế, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang (mỗi tỉnh 2 ca), Cần Thơ (1 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (120 ca), Nghệ An (94 ca), Bắc Giang (73 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (150 ca), Hà Tĩnh (68 ca), Ninh Bình (29 ca).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 5.938 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.656.649 ca mắc, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.717 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc ghi nhận trong nước là 10.648.899 ca, trong đó có 9.262.639 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.587.690 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (608.476 ca), Nghệ An (481.842 ca), Bắc Giang (385.296 ca), Bình Dương (383.418 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.090 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.265.456 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 475 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 376 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 50 ca; Thở máy không xâm lấn: 11 ca; Thở máy xâm lấn: 36 ca; ECMO: 2 ca.
Số bệnh nhân tử vong trong ngày 2/5 là 2 ca tại: Đồng Nai (1 ca), Hà Nam (1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 3 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.044 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Trong ngày 1/5 có 51.917 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 214.991.119 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 196.081.099 liều: Mũi 1 là 71.459.600 liều; Mũi 2 là 68.645.058 liều; Mũi 3 là 1.505.937 liều; Mũi bổ sung là 15.308.781 liều; Mũi nhắc lại là 39.161.723 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.376.932 liều: Mũi 1 là 8.908.009 liều; Mũi 2 là 8.468.923 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 1.533.088 liều (mũi 1).
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 6,45 triệu liều vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ hơn 2,3 triệu liều để phục vụ công tác tiêm chủng của các địa phương. Số vaccine còn lại sẽ phân bổ cho các địa phương sau khi hoàn thiện các thủ tục kiểm định chất lượng và theo tiến độ tiêm chủng.
Theo tài liệu "Hướng dẫn triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi" do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia xây dựng, mặc dù khi mắc COVID-19, các triệu chứng ở trẻ em đa phần là nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp phải nhập viện và để lại di chứng kéo dài.
Hơn nữa, nếu trẻ không may nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây lan trong môi trường lớp học từ đó lây lan trong cộng đồng. Việc tiêm phòng cho trẻ em là rất cần thiết để giảm nguy cơ nhiễm bệnh; giảm nguy cơ trở nặng nếu nhiễm và giảm khả năng lây bệnh cho người khác.
Hiện nay trên thế giới đã có hơn 60 quốc gia cho phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 thuộc đối tượng trì hoãn tiêm sau 3 tháng kể từ ngày mắc (dự kiến sẽ tiêm khoảng tháng 7 - 8/2022), 8,2 triệu trẻ còn lại bắt đầu tiêm từ ngày 14/4 và trong quý 2/2022 sẽ tiêm xong 2 mũi cho trẻ./.
PV