Di chuyển bến xe Lương Yên tránh làm xáo trộn thị trường vận tải

Di chuyển bến xe Lương Yên tránh làm xáo trộn thị trường vận tải

Mặc dù là bến xe tạm với thời hạn cấp phép 6 tháng một lần nhưng bến xe Lương Yên đang hoạt động ổn định với 319 phương tiện của 52 đơn vị vận tải hoạt động trên 38 tuyến tỏa đi 20 tỉnh, thành phố. Tần suất trung bình của bến là 335 lượt xe/ngày, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm lễ, tết. 

Taxi đón trả khách tại bến xe Lương Yên. Ảnh: TTXVN
Taxi đón trả khách tại bến xe Lương Yên. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, thời gian gần đây, phương tiện ra vào khu vực bến thường xuyên gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên trục đường Nguyễn Khoái cũng như khu vực đầu đường Trần Khát Chân, nhất là trong khung giờ cao điểm. Mặt khác, theo Quyết định 1593/QĐ-SGTVT ngày 29/7/2013 của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thì ngày 26/7 tới đây, bến xe Lương Yên sẽ hết hiệu lực hoạt động. Do vậy, Công ty Lương thực Lương Yên đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội di dời hoạt động của bến xe Lương Yên sang các bến xe khác trên địa bàn thành phố trước thời điểm nói trên. 

Về việc này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Hoàng Linh cho biết, chắc chắn sẽ di dời bến xe Lương Yên nhưng phải theo quy trình, phải báo cáo Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh quy hoạch bến xe trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020. Đồng thời, phải có thời gian thông báo cho các nhà xe đang khai thác tại đây và tuyên truyền cho người dân khu vực này nắm được thông tin về thay đổi địa điểm di chuyển bến xe. 

Ghi nhận tại bến xe Lương Yên những ngày này, hầu hết người lao động tại bến xe và lái xe hoạt động tại bến đều băn khoăn, lo lắng trước thông tin giải tỏa bến xe Lương Yên. Hoạt động tại bến đã vài năm, anh Nguyễn Văn Tường hoang mang khi bến xe di dời sẽ gây khó khăn cho nhà xe. “Tôi mới đầu tư vào xe gần 1 tỷ đồng, bây giờ nếu bến giải tán thì sẽ không biết về đâu cả, mà cũng chưa biết bến sẽ sắp xếp thế nào”, anh Tường lo lắng. 

Không chỉ anh Tường mà tất cả những lái xe, người lao động tại bến khi được hỏi đều bày tỏ băn khoăn việc bến xe dừng hoạt động sẽ khiến họ mất việc làm. Hoặc nếu được bố trí sang bến mới phải cạnh tranh với xe đang hoạt động tại đó, liệu có duy trì được hoạt động? 

Để giải tỏa lo lắng của người lao động Công ty Lương thực cấp 1 Lương Yên, ông Phạm Thanh Bằng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc cho biết: Tổng công ty sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Hiện Công ty Lương thực cấp 1 Lương Yên, chi nhánh của Tổng công ty Lương thực miền Bắc, đơn vị chủ quản của bến xe Lương Yên đã có kế hoạch cụ thể chi trả lương cho người lao động. Ông Bằng cho biết thêm, việc này đã được tính đến, khi xây dựng dự án đầu tư các chủ đầu tư đã đưa vào hạch toán và chi phí của dự án. Các chủ đầu tư đã cam kết sẽ đảm bảo toàn bộ quyền lợi của người lao động khi bị tạm dừng việc do việc chấm dứt hoạt động của bến xe. 

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xây dựng 2 phương án di dời xe khách sang các bến xe khác trên địa bàn Hà Nội, trong đó phương án 1 sẽ điều chuyển các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Lương Yên về các bến xe còn khả năng tiếp nhận trên địa bàn thành phố. Còn phương án 2 sẽ di dời sang bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm) sau khi bến đủ điều kiện tiếp nhận. Theo đánh giá của ngành chức năng, ưu điểm của phương án 1 là góp phần giảm ùn ứ giao thông trên trục đường Nguyễn Khoái nhưng sẽ xáo trộn nhu cầu đi lại của người dân trong một thời gian và tăng ùn ứ giao thông tại các bến xe tiếp nhận các tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên chuyển sang và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe này. Còn nếu thực hiện phương án 2 thì việc thực hiện các thủ tục pháp lý sẽ đơn giản hơn và ít ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị vận tải vì điều chuyển nguyên trạng sang bến xe mới. Tuy nhiên thực hiện được phương án này phải sau khi bến xe Cổ Bi đã hoàn thành. Với những nhược điểm của hai phương án thì để di dời toàn bộ nhà xe đang hoạt động tại bến Lương Yên vào thời điểm ngày 26/7 đang là bài toán nan giải. 

Việc di dời bến xe Lương Yên cũng nằm trong lộ trình thực hiện quy hoạch các bến xe trên địa bàn Hà Nội. Trong khi các bến xe của thành phố còn thiếu, nhiều bến đã đến ngưỡng quá tải, việc xây dựng các bến mới theo quy hoạch còn chậm, thì ngành chức năng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn phương án cũng như thời điểm di dời bến xe Lương Yên để tránh làm xáo trộn thị trường vận tải cũng như gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp vận tải và nhu cầu đi lại của người dân./. 

       

Có thể bạn quan tâm