Tại Hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 11/3, đại diện một số Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học và giáo viên đánh giá, cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp có tác động mạnh tới việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Hàm lượng kiến thức đủ sâu để đánh giá năng lực tư duy của học sinh, tránh tình trạng "khoanh bừa" học sinh sẽ phải vận dụng sáng tạo và áp dụng kiến thức vào thực tiễn.
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cấu trúc định dạng đề thi, nhiều địa phương đã triển khai ra đề thi thử nghiệm với học sinh lớp 10 và 11.
Cô Trịnh Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định chia sẻ: Các thầy cô đã xây dựng một số đề kiểm tra theo cấu trúc đề thi minh họa cho học sinh lớp 10, lớp 11 và cho các em làm thử nghiệm. Theo đó, đề thi được đánh giá có tính phân hóa rất cao, hơn 90% học sinh đạt điểm trên trung bình, trong đó điểm phổ biến là 6,5. Số học sinh đạt điểm 8 và 9 giảm dần. Chỉ có 1/1.000 học sinh đạt điểm 10. Đề thi đòi hỏi học sinh có kiến thức chắc chắn, toàn diện, kỹ năng làm bài thành thạo, biết vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Cô Trịnh Thị Thanh Xuân cũng nhấn mạnh: Để ra được đề thi theo cấu trúc mới, giáo viên cần phải mất nhiều công sức, đưa được các vấn đề thực tiễn để đánh giá năng lực của học sinh, ngữ liệu mang tính mở cao, phát huy năng lực người học, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của người học và người dạy.
Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ làm đề thi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị Lê Thị Hương cho rằng: Để đảm bảo chất lượng đề thi thì việc lựa chọn đội ngũ thực hiện công tác này rất quan trọng, phải đảm bảo đầy đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới, sử dụng nhiều bộ sách khác nhau, vì vậy, khi làm đề thi cần thống nhất nội dung diễn đạt để giúp học sinh tránh nhầm lẫn trong quá trình làm bài. Hàng năm, Bộ nên công bố đề thi minh họa sớm và giữ cấu trúc ổn định nhiều năm, ít nhất là 5 năm để thuận lợi cho công tác tổ chức dạy học, ôn tập.
Từ đặc thù điều kiện dạy và học tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hà Thị Thanh Vân cho biết: Để làm được đề thi chuẩn theo định dạng cấu trúc mới là việc không đơn giản với giáo viên, nhất là giáo viên khu vực miền núi. Do đó, trong quá trình triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo có bước đệm để không tác động quá nhiều đến kết quả thi của học sinh. Các trường đại học cũng cần có phương án tuyển sinh sớm để các nhà trường có hướng ôn tập và học sinh có định hướng lựa chọn tổ hợp môn học.
Về phía các cơ sở giáo dục đại học, Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ: "Hiện nay, thực hiện Luật Giáo dục Đại học, các trường có phương thức tuyển sinh riêng nhưng nhiều vấn đề còn băn khoăn. Ví dụ như việc các trường xét tuyển đầu vào cho một ngành học hay khối ngành nhưng chỉ dựa vào một môn (chứng chỉ ngoại ngữ) hoặc tuyển sinh bằng học bạ, như vậy, chưa thực sự đảm bảo độ tin cậy. Do đó, Bộ cần tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về vấn đề này, tự chủ trong tuyển sinh nhưng phải đảm bảo chất lượng và phù hợp".
Đại học Đà Nẵng dự kiến thành lập một trung tâm khảo thí để làm công tác tuyển sinh nhưng việc này cũng rất tốn kém. Do vậy, thời gian tới, Đại học Đà Nẵng vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông để tuyển sinh là chính. Bởi kỳ thi này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư công sức, nguồn lực, kinh nghiệm với nhiều năm tổ chức tốt. Nhờ đó, học sinh cũng không phải tham gia quá nhiều kỳ thi, gây lãng phí.
Giám đốc Đại học Đà Nẵng mong muốn Bộ tiếp tục tổ chức tốt hơn kỳ thi này, với việc ra đề thi có tính phân hoá hơn, đảm bảo độ tin cậy để sử dụng trong công tác tuyển sinh đại học.
Lãnh đạo một số trường đại học Y, Dược cũng chia sẻ: Thời gian qua, các trường khối ngành sức khoẻ vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông để tuyển sinh. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành đòi hỏi chất lượng đầu vào cao, cấu trúc đề thi tốt nghiệp từ năm 2025 cần có độ phân hóa tốt hơn để thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh.
Việt Hà