Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến vùng dân tộc thiểu số

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến vùng dân tộc thiểu số

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, trong đó có công tác tuyên truyền và vận động thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các chương trình, chính sách, dự án khác đối với những vùng này. Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2016 - 2020” là hết sức cần thiết. Đó là khẳng định của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, Nông Quốc Tuấn và nhiều đại biểu khác tại Hội thảo góp ý hoàn chỉnh Đề án trên để trình Thủ tướng Chính phủ, diễn ra ngày 12/5, tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Theo Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn, nhu cầu thông tin đến vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là rất lớn, vì vậy Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có trên 90% đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo được tuyên truyền vận động; 100% tuyên truyền viên, cộng tác viên được tập huấn, bồi dưỡng; trên 80% số huyện thụ hưởng Đề án được nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thông tin truyền thông và trang thiết bị; 100% cán bộ, công chức làm công tác dân tộc được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý và tuyên truyền, vận động.

Để đạt được mục tiêu trên theo Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn, Đề án cần thực hiện tốt 7 nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới và hải đảo…; tuyên truyền khoa học kỹ thuật, mô hình phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả, xây dựng nông thôn mới; tăng cường thông tin đối ngoại, nhân quyền; tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS…; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, công tác viên các cấp, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, thường xuyên cung cấp thông tin; tăng cường đầu tư và hỗ trợ trang thiết bị hiện đại để phục vụ tuyên truyền, vận động.

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi là sản phẩm văn hóa không thể thiếu của đồng bào các dân tộc. Ảnh: An Thành Đạt
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi là sản phẩm văn hóa không thể thiếu của đồng bào các dân tộc. Ảnh: An Thành Đạt

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Lê Duy Truyền khẳng định tầm quan trọng của các chương trình đưa thông tin về vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian qua, đồng thời khẳng định cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động đối với vùng DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo.

“Hiện nay, tất cả các đơn vị chủ chốt của TTXVN đều tham gia sản xuất thông tin về vùng DTTS. Có khoảng 100 nhà báo TTXVN thường trú tại các tỉnh, hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… của TTXVN trực tiếp tham gia sản xuất thông tin về vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ hơn 20 năm nay, TTXVN đã phát hành những ấn phẩm chuyên phục vụ vùng DTTS và miền núi như các bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi, tiền thân của tờ Báo ảnh Dân tộc và Miền núi ngày nay, với 11 song ngữ đang phát hành. Thực hiện các Quyết định 975/QĐ - TTg, 2472 của Thủ tướng Chính phủ về cấp phát một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo, báo Tin Tức, kênh thông tin của Chính phủ do TTXVN phát hành là một trong hơn 20 tờ báo, tạp chí đã và đang được cấp phát miễn phí cho cán bộ vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, các đồn biên phòng trong toàn quốc”, Phó Tổng Giám đốc TTXVN nhấn mạnh.

Báo Tin Tức là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với đồng bào.
Báo Tin Tức là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với đồng bào.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Lê Duy Truyền, thời gian qua, Ban lãnh đạo TTXVN đã xác định rõ cần phải tiếp tục đổi mới cách tiếp cận, truyền tải thông tin cho phù hợp với trình độ dân trí, phong tục tập quán, ngôn ngữ của từng dân tộc, từng địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả thông tin về vùng DTTS và miền núi, đáp ứng yêu cầu của công tác thông tin tuyên truyền trong tình hình mới; và đây cũng chính là nội dung tập trung của hội thảo khoa học lần này.

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các bộ, ngành đều nhất trí rằng cần thiết phải ban hành Đề án. Đề án đã nêu được phạm vi và đối tượng cụ thể, khẳng định đây là đối tượng và là vùng đặc thù, địa hình hiểm trở, an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi đó trình độ dân trí còn hạn chế, kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu, Đề án cần nêu rõ tuyên truyền cái gì, như thế nào cho đồng bào; để thực hiện đề án hiệu quả cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương thực hiện, hàng năm có báo cáo tổng kết; Phương thức tuyên truyền ra sao cho phù hợp với từng nội dung tuyên truyền đối với đồng bào DTTS và miền núi.

Tại hội thảo, lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh Bình Định, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Sơn La và đại diện Bộ Thông tin Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương... cũng thống nhất cao về việc cần ban hành một Đề án tuyên truyền, vận động vùng đồng bào và miền núi. Tuy nhiên, Đề án cần ghi rõ nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành thực hiện cũng như phối hợp thực hiện với địa phương. Hàng năm, có báo cáo hiệu quả của đề án gửi về cơ quan thường trực theo dõi, kiểm tra, giám sát. Tại hội thảo, các đại biểu cũng mong muốn Đề án sớm được hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới vùng DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo được nhanh và bền vững.

Phát biểu tiếp thu ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn nhận định, công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc và miền núi không chỉ riêng UBDT quan tâm, mà các bộ, ngành cũng đã có nhiều chương trình thực hiện riêng. Công tác tuyên truyền và vận động thời gian qua đã góp phần phát triển mọi mặt vùng dân tộc và miền núi. Thực tế, các báo, tạp chí thực hiện các Quyết định 975, 2472 và 1977 của Thủ tướng Chính phủ về cấp phát một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, biên giới hải đảo thời gian qua đã khẳng định ảnh hưởng của công tác tuyên truyền, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng năng suất và chất lượng, góp phần nâng cao đời sống; giúp đồng bào học hỏi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao cảnh giác và ngăn ngừa những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Trọng Thủy 

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm