Dấu ấn tuổi trẻ trên những công trình hướng về cộng đồng ở Bến Tre

Dấu ấn tuổi trẻ trên những công trình hướng về cộng đồng ở Bến Tre

Những ngôi nhà mới kiên cố giúp người nghèo hiện thực hóa ước mơ an cư; những nhịp cầu nối những bờ vui, khơi thông "mạch máu" làm đổi thay diện mạo nông thôn... là những dấu ấn đẹp, ý nghĩa của những công trình thanh niên, được viết lên bằng tinh thần trách nhiệm, khát khao cống hiến, trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ Bến Tre. Qua đó, khẳng định rõ vai trò của tổ chức Đoàn, Hội luôn hướng về cộng đồng trong các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng quê hương; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho các vùng nông thôn trên địa bàn.

Những nhịp cầu thanh niên

Mơ ước có cây cầu kết nối giao thông của 25 hộ dân thuộc ấp Hưng Hòa Đông (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm) đã thành hiện thực. Ngày 7/11/2023, cây cầu dân sinh được Tỉnh Đoàn phối hợp với Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, chùa Văn Thánh (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa được khánh thành đưa vào sử dụng. Cầu được thiết kế với kết cấu bê tông, dài 18 m, rộng 2,5 m, kinh phí xây dựng 120 triệu đồng; trong đó, các nhà hảo tâm đã đóng góp 100 triệu đồng, phần còn lại do nhân dân đóng góp.

Dấu ấn tuổi trẻ trên những công trình hướng về cộng đồng ở Bến Tre ảnh 1Khánh thành cầu Thanh niên dài 18m, rộng 2,5m, kinh phí xây dựng 120 triệu đồng tại ấp Hưng Hòa Đông, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Bà Hồ Thị Bé Mỹ (ấp Hưng Hòa Đông) phấn khởi cho biết, cây cầu trước kia đã xuống cấp và chỉ rộng khoảng 1 m, vừa đủ 1 chiếc xe máy lưu thông. Do đó, việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. “Cây cầu hoàn thành đưa vào sử dụng, nối liền các tổ nhân dân tự quản số 7A, 12A và 13 tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong ấp phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.

Chủ tịch UBND xã Hưng Nhượng Bùi Văn Một cho biết thêm, Hưng Nhượng là xã thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Giồng Trôm. Địa phương có nhiều kênh rạch, việc đi lại của bà con gặp không ít khó khăn, nhất là việc vận chuyển hàng hóa nông sản và học sinh đến trường. Địa phương đã tranh thủ nguồn lực để xây dựng cầu, đường, phát triển kinh tế. Từ những nhịp cầu nối liền đôi bờ, xã sẽ vận động người dân mở rộng tuyến đường để thuận lợi hơn trong việc đi lại. Mục tiêu của Hưng Nhượng là xây dựng thành công xã nông thôn mới vào quý I/2024.

Cùng chung niềm hạnh phúc với người dân xã Hưng Nhượng (huyện Giồng Trôm), người dân ở ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri (còn được gọi là Cồn Đất, nằm cách biệt với đất liền) hân hoan khi cầu dân sinh trị giá hơn 110 triệu đồng được đưa vào sử dụng, sau nhiều năm phải đi lại trên những chiếc cầu gỗ tạm bợ, gập ghềnh, nguy hiểm.

Dấu ấn tuổi trẻ trên những công trình hướng về cộng đồng ở Bến Tre ảnh 2Khánh thành cầu Thanh niên dài 18m, rộng 2,5m, kinh phí xây dựng 120 triệu đồng tại ấp Hưng Hòa Đông, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Bà Trần Thị Trúc (ở ấp An Bình, xã An Hiệp) chia sẻ, người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi tôm. Trước đây, bà con đóng góp làm một cây cầu tạm bắc qua sông để đi lại. Do cầu nhỏ, làm bằng ván gỗ chắp vá nên đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Nhiều trường hợp xe máy chở nông sản và chở trẻ đi học bị rơi xuống sông. Có cầu dân sinh bê tông kiên cố, bà con nơi đây không còn cảnh nơm nớp lo sợ khi qua cầu như trước đây.

Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bến Tre đã phối hợp cùng Ban Thư ký Ủy ban Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh vận động kinh phí xây dựng 29 cầu giao thông nông thôn, với tổng kinh phí thực hiện là 2,9 tỷ đồng.

Những mái ấm thanh niên

Trong căn nhà mới vừa được bàn giao, anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1976, ngụ ấp Bình Huề 2, xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại) vui mừng và xúc động bởi mong ước có một mái ấm kiến cố để ổn định cuộc sống đã thành sự thật. Do hai con còn nhỏ, anh Tuấn lại bị tai nạn lao động và công việc phụ quán của vợ anh bấp bênh. Giấc mơ về mái nhà kiên cố với anh quá xa vời. Cả nhà 4 nhân khẩu sống tạm bợ dưới mái hiên nhà mẹ vợ. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, Tỉnh Đoàn Bến Tre đã phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn hỗ trợ gia đình xây dựng căn nhà kiên cố trên nền 60 m2. Đây là nguồn động viên giúp gia đình anh Tuấn vượt qua khó khăn, an tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Dấu ấn tuổi trẻ trên những công trình hướng về cộng đồng ở Bến Tre ảnh 3Bàn giao Mái ấm thanh niên cho anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1976) ngụ ấp Bình Huề 2, xã Đại Hòa Lộc (huyện Bình Đại). Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Trong căn nhà mới xây đang đợi thợ đến lắp cửa, bà Phạm Thị Hiện (67 tuổi, hộ cận nghèo nằm sâu trong ấp Bình Phú, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm) xúc động chia sẻ, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh Đoàn và các nhà hảo tâm, giấc mơ về một mái nhà khang trang trên diện tích 45 m2 của bà giờ đã trở thành hiện thực. Trong thời gian xây nhà, các đoàn viên, thanh niên địa phương đã đến hỗ trợ ngày công. Nhờ đó, chỉ sau một tháng khởi công, ngôi nhà đã hoàn thành.

Anh Phan Thanh Trẻ, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bến Tre cho biết, công trình Mái ấm thanh niên, Nhịp cầu thanh niên... là những nội dung quan trọng được tuổi trẻ địa phương đề ra trong chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên thực hiện hàng năm. Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ những khó khăn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trong đoàn viên, thanh niên.

Dấu ấn tuổi trẻ trên những công trình hướng về cộng đồng ở Bến Tre ảnh 4Bàn giao Mái ấm thanh niên cho anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1976) ngụ ấp Bình Huề 2, xã Đại Hòa Lộc (huyện Bình Đại). Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Về công trình Mái ấm thanh niên, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, đây là nội dung được Tỉnh Đoàn quan tâm thực hiện, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững. Dù giá trị vật chất hỗ trợ mỗi ngôi nhà không lớn (từ 40 - 60 triệu đồng), nhưng phần nào đã giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có được mái ấm kiên cố, tạo điều kiện cho họ có thêm nghị lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. “Mỗi mái ấm được xây là chắp thêm ước mơ khát vọng, tạo động lực cho người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống”.

Năm 2023, thanh niên toàn tỉnh đã xây dựng được 69 nhà Tình nghĩa, nhà Tình thương, nhà Khăn quàng đỏ, nhà Đại đoàn kết cho các gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong, cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn với tổng kinh phí 3,52 tỷ đồng.

Chương Đài

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm