Ngày 28/5/2018, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Hà Công Tuấn dẫn đầu làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về kết quả triển khai các nhiệm vụ sản xuất lâm nghiệp và công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Trong ảnh: Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN |
Ông Phạm Hòa Dũng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết, được sự đồng ý của UBND tỉnh và các đơn vị chức năng liên quan, công ty đang tiến hành thí điểm mô hình sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp tại hai tiểu khu 1500 và 1504, thuộc địa phận xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, giáp ranh với huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Theo đó, có 49 hộ dân với tổng diện tích đất gần 110ha sẽ được tham gia mô hình. Các hộ dân sẽ trồng xen canh các loại cây lâm nghiệp như mắc ca, muồng đen, điều xen với các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ.
Mục tiêu của chương trình là ổn định sản xuất cho bà con và đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh tốt hơn. Công ty đã tổ chức nhiều buổi đối thoại với sự tham gia của các hộ dân, chính quyền địa phương xã Quảng Trực, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tuy Đức và các đơn vị chức năng liên quan và dự kiến sẽ triển khai chương trình trong tháng 6 tới đây.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cũng thực hiện thí điểm giao khoán rừng cho cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương quản lý, bảo vệ. Trước mắt thí điểm trên diện tích 200 ha.
Ngoài hai khu vực thí điểm trên đây, công ty cũng phối hợp với các ngành chức năng tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng lấy gỗ và lấn chiếm đất. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã xử lý hơn 10 trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại đây; trong đó, có nhiều trường hợp bị khởi tố, điều tra hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông cho rằng, việc giải tỏa các hộ dân đang xâm canh trên đất rừng là việc làm rất khó khăn. Tại nhiều khu vực là gần như không thể thực hiện được. Do đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã có chủ trương thí điểm một số mô hình sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp và Sở đã quyết định chọn Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Nam Tây Nguyên làm mô hình thí điểm đầu tiên.
Cũng theo ông Lê Trọng Yên, bước đầu việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí để triển khai, chủ yếu là hỗ trợ các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia chương trình được cân đối từ Quỹ Bảo vệ phát triển rừng của tỉnh Đắk Nông. Các cơ quan chức năng tỉnh và đơn vị chủ rừng kỳ vọng việc thực hiện chương trình sẽ đạt được hai mục tiêu quan trọng là đảm bảo độ che phủ của rừng và ổn định đời sống, sản xuất của các hộ dân. Nhờ đó việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ được thực hiện tốt hơn.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình quản lý bảo vệ rừng tại địa phương mới đây, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp là phương thức canh tác đã có từ trước và được Nhà nước khuyến khích. Để triển khai chương trình hiệu quả, Đắk Nông cần một đề án tổng thể về phát triển lâm nghiệp bền vững rõ ràng, tính đến đầy đủ các yếu tố liên quan.
Ông Hà Công Tuấn cũng lưu ý Đắk Nông trong việc sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp phải tuyệt đối nằm ngoài phạm vi rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới. Thêm nữa, nếu trồng xen các loại cây ăn trái vào cây rừng thì phải tính đến sự phù hợp về thổ nhưỡng, điều kiện sinh trưởng của từng loại cây và đặc biệt phải tính kỹ hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng “được mùa mất giá” hoặc không tính đến đầu ra cho sản phẩm.
Hưng Thịnh