Ảnh minh họa: Một góc khu tái định cư buôn Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar (Nguồn ảnh: baodaklak.vn) |
Áp lực dân di cư ngoài quy hoạch
Tính đến tháng 6/2018, tổng số dân di cư ngoài kế hoạch đến Đắk Nông là 38.191 hộ với 173.973 nhân khẩu. Hiện nay, tỉnh đã ổn định cuộc sống cho khoảng 23.680 hộ, với trên 122.000 nhân khẩu (tự ổn định tại chỗ, bố trí vào các dự án tập trung, xen ghép), còn lại hơn 11.500 hộ, với gần 51.800 khẩu vẫn chưa được sắp xếp, ổn định.
Tại các huyện như Đắk Glong, Đắk Song, Tuy Đức đã xuất hiện “điểm nóng” về tình hình dân di cư ngoài kế hoạch đến sinh sống, lấn chiếm đất, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gây khó khăn trong công tác quản lý dân cư, quản lý bảo vệ rừng và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là khu vực biên giới.
Điển hình, tại khu vực Suối Phèn, xã Quảng Hòa và các Cụm dân cư số 6,7,8,9,10,12, xã Đắk R’măng (huyện Đắk Glong), xã Đắk Mol (huyện Đắk Song) có hàng trăm hộ dân di cư ngoài kế hoạch đã vào làm nhà ở, sinh sống, ổn định sản xuất từ những năm 2000. Đa số các hộ này là đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Nùng…) từ các tỉnh phía Bắc đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Ngoài ra, hầu hết đều chưa được đăng ký hộ khẩu do chưa có nơi ở hợp pháp theo Luật Cư trú, việc học hành của con em trong độ tuổi đến trường gặp nhiều khó khăn, an ninh trật tự khó kiểm soát... Tại huyện Tuy Đức, tình hình dân di cư tại các xã Quảng Trực, Đắk Ngo cũng rất phức tạp. Trước tình trạng này, việc thực hiện giải pháp để sớm ổn định cuộc sống cho các hộ dân là cần thiết và cấp bách.
Theo ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, việc người dân từ các địa phương khác đến Đắk Nông sinh sống với số lượng lớn đã gây ra nhiều hệ lụy xấu, vượt quá khả năng giải quyết của địa phương. Nguyên nhân do người di cư ngoài kế hoạch đến Đắk Nông chủ yếu sống phân tán, rải rác ở vùng sâu, vùng xa, xen lẫn trong các khu rừng, cách xa trung tâm xã, không có giao thông đi lại, việc quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai, quản lý dân cư.
Hệ lụy lớn nhất hiện nay là tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất. Do dân di cư tự do chủ yếu là người nghèo, không có vốn nên không thể sang nhượng đất mà chủ yếu là trực tiếp phá rừng để lấy đất sản xuất. Bên cạnh đó, dân di cư ngoài kế hoạch đến còn đặt ra nhiều vấn đề buộc chính quyền địa phương phải giải quyết như nhu cầu đầu tư về hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…), y tế, giáo dục, an ninh trật tự… để ổn định dân cư. Trong khi đó, điều kiện ngân sách địa phương eo hẹp, còn phải nhận điều tiết từ Trung ương. Vấn đề tranh chấp đất đai cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về an ninh nông thôn.
Cần có giải pháp căn cơ
Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện nhiều chương trình, dự án để giải quyết vấn đề liên quan đến dân di cư ngoài kế hoạch. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã lập và triển khai 16 dự án đầu tư, mục tiêu bố trí, sắp xếp cho hơn 10.800 hộ. Tổng nguồn vốn để thực hiện là hơn 1.530 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 1.285,5 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Đến nay, ngân sách Trung ương đã bố trí để thực hiện các dự án là hơn 476 tỷ đồng (đạt hơn 31%). Đã có 4 dự án hoàn thành, bố trí sắp xếp, ổn định được 2.931 hộ.
Theo ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, mặc dù tỉnh đã nỗ lực để bố trí, ổn định cuộc sống cho số dân di cư ngoài kế hoạch nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn như khó khăn về nguồn vốn để tiếp tục thực hiện các dự án đã được phê duyệt và đang đầu tư dở dang trong khi nguồn ngân sách địa phương eo hẹp, việc bố trí nguồn vốn từ Trung ương cũng rất nhỏ giọt. Thêm nữa, việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư cũng là bài toán khó do thiếu quỹ đất sạch.
Trong quá trình ổn định dân di cư ngoài kế hoạch, nhiều vấn đề “vượt tầm” và địa phương không thể hạn chế người dân các tỉnh di cư đến ngoài kế hoạch. Vì vậy, tỉnh Đắk Nông đề xuất với Chính phủ, các địa phương có dân đi quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm lo tốt đời sống cho đồng bào; chỉ khi nào người dân có cuộc sống ổn định ở quê hương họ mới không di cư ngoài kế hoạch. Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông muốn thực hiện dự án ổn định tại chỗ cho những điểm dân di cư đông nhưng lại vướng cơ chế, chính sách. Đặc biệt là chính sách đóng cửa rừng, không được chuyển đổi đất quy hoạch lâm nghiệp sang mục đích khác của Chính phủ. Vì vậy, không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất thì không thể lập dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng để ổn định dân cư.
Để tiếp tục bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư ngoài kế hoạch, nhất là ở những điểm nóng, tỉnh Đắk Nông đề xuất Trung ương cho phép lập mới hai dự án để bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống tại chỗ cho các hộ dân đã sinh sống ổn định từ nhiều năm nay trên địa bàn huyện Đắk Glong và Đắk Song. Cụ thể, dự án ổn định cho 329 hộ, với 1.855 khẩu dân di cư tại xã Quảng Hòa và Đắk R’măng (huyện Đắk Glong) và dự án ổn định cho 116 hộ với 464 hộ dân di cư tại xã Đắk Mol, huyện Đắk Song.
Bên cạnh đó, cho phép tỉnh Đắk Nông chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy hoạch sản xuất lâm nghiệp sang đất ở, đất sản xuất nông nghiệp và đất chuyên dùng khác để thực hiện 2 dự án trên và dự án cấp bách ổn định dân di cư tự do, ổn định an ninh chính trị khu vực biên giới các xã Quảng Trực, Đắk Ngo, huyện Tuy Đức đã được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt tại Quyết định 1717/QĐ-UBND ngày 31/10/2017 theo chủ trương và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo số 205/TB - VPCP. Để hoàn thành các dự án ổn định dân di cư, tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ bổ sung thêm 427 tỷ đồng dự toán kinh phí đã được phê duyệt.
Anh Dũng