Ngày 9/7, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông xác nhận, Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan làm thủ tục để đưa ra đấu giá 40 mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn. Các mỏ này có tổng trữ lượng tài nguyên dự báo là hơn 31,7 triệu m3; phân bổ tại 8 huyện, thành phố của tỉnh.
Việc cấp phép các mỏ đất làm vật liệu san lấp được kỳ vọng sẽ tháo gỡ một trong những nút thắt lớn trong quá trình đầu tư, xây dựng các công trình nói chung, đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng. Bởi hiện nay, hầu hết các công trình đều gặp vướng mắc liên quan tới việc đào đắp, san lấp đất để chuẩn bị mặt bằng trước khi triển khai xây dựng.
Các mỏ đất đang làm thủ tục đưa ra đấu giá phân bố chủ yếu ở các huyện phía Bắc tỉnh Đắk Nông. Trong đó, huyện Cư Jút có trữ lượng lớn nhất với gần 13 triệu m3, huyện Đắk Mil có tổng trữ lượng hơn 7 triệu m3 và huyện Krông Nô có tổng trữ lượng trên 6,7 triệu m3… Các huyện, thành phố phía Nam có số lượng, diện tích, trữ lượng các mỏ được đấu giá thấp hơn; trong đó, hai địa phương có trữ lượng mỏ thấp nhất là thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Song (mỗi huyện hơn 0,3 triệu m3). Sau khi đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan làm thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh đã quy hoạch 112 mỏ đất san lấp trên diện tích hơn 1.050ha, tổng trữ lượng dự kiến hơn 79 triệu m3. Trong số này, có 52 mỏ nằm hoàn toàn trong ranh giới quy hoạch bô xít (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) với hơn 500ha. Hiện thủ tục liên quan tới thăm dò, đấu giá các mỏ này đều đang tạm ngừng để chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Minh Hưng