Tháng hành động vì trẻ em 2024:

Đắk Lắk tổ chức nhiều hoạt động để trẻ em có mùa Hè bổ ích

Mùa Hè là dịp để học sinh được nghỉ ngơi, thư giãn sau quãng thời gian học hành. Do đó, việc tìm kiếm các sân chơi hè an toàn và bổ ích cho trẻ là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Những sân chơi đa dạng, an toàn, phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp các em phát triển cảm xúc, trí tuệ, tạo năng lượng tích cực.

vna_potal_nhieu_hoat_dong_he_phong_phu_tai_dak_lak_7426590.jpg
Hướng dẫn trẻ trải nghiệm làm tranh Đông Hồ. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Hướng đến kỹ năng mềm

Sau quãng thời gian đắn đo, gia đình chị Nguyễn Lê Thiên Phúc (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã quyết định cho con của mình tham gia lớp học tennis vào dịp hè. Chị Phúc chia sẻ, dịp hè có nhiều thời gian rảnh khiến trẻ xem tivi, điện thoại nhiều. Do đó, chị Phúc quyết định đăng ký môn thể thao này cho con rèn luyện sức khỏe, mở rộng giao tiếp nhiều hơn. Dù mới chỉ vừa tập được vài buổi, cháu rất yêu thích môn thể thao này.

Anh Dương Hoàng Phong, Chủ nhiệm lớp Tennis Nghinh Phong (thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, từ cuối tháng 5, các phụ huynh đã đăng ký lớp học cho con em, độ tuổi rất rộng từ 4 đến 17 tuổi. Lớp học được phân chia theo độ tuổi thích hợp để bảo đảm các em có những trải nghiệm tốt nhất. Đối với từng lứa tuổi khác nhau, giáo viên sẽ có những bài học phù hợp, giúp các em phát triển về cả tư duy lẫn thể chất, quan trọng nhất là rèn luyện sức khỏe, tăng sự dẻo dai, sức đề kháng.

vna_potal_nhieu_hoat_dong_he_phong_phu_tai_dak_lak_7426588.jpg
Nhiều em nhỏ thích thú tham gia học tennis. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Hiện nay, tỷ lệ đuối nước ngày càng gia tăng, bơi lội là môn học được các phụ huynh, học sinh lựa chọn nhiều trong dịp hè. Chị Nguyễn Thị Phương (thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, nhận thấy việc học bơi rất quan trọng, chị và gia đình đã đăng ký cho hai con tham gia lớp học bơi. Đều đặn 2 buổi/tuần, vợ, chồng chị thay phiên nhau đưa con đi học bơi. Ngoài giảng dạy các kỹ năng bơi, giáo viên cũng chú trọng hướng dẫn các học sinh kỹ năng phòng, chống đuối nước, tự cứu đuối và xử lý tình huống khi gặp người đuối nước...

“Bơi là một trong những kỹ năng thiết yếu mà ai cũng cần trang bị. Sau thời gian học, con tôi đã biết bơi và rất thích thú. Tôi thấy vui và an tâm bởi con mình vừa được học các kỹ năng bơi vừa được học kỹ năng đề phòng trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra khi bơi”, chị Phương chia sẻ.

Hiện nay, thay vì đăng ký những lớp học thêm, bồi dưỡng kiến thức cho trẻ, các phụ huynh đang dần thay đổi sang các sân chơi thể chất, lớp học kỹ năng mềm cần thiết. Không chỉ được rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật, việc học tập các môn này còn giúp trẻ mở rộng quan hệ bạn bè, cởi mở hơn trong giao tiếp. Những kiến thức thực tế, được tiếp thu ngay từ cuộc sống sẽ là những bài học đáng quý và gần gũi nhất giúp trẻ nhớ lâu, thay vì chỉ đọc và tự hình dung qua sách vở.

Đáp ứng nhu cầu của các gia đình, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức

vna_potal_nhieu_hoat_dong_he_phong_phu_tai_dak_lak_7426587.jpg
Nhiều gia đình lựa chọn hoạt động thể thao vào dịp hè để con rèn luyện sức khỏe để tăng sự dẻo dai, sức đề kháng. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Đáp ứng nhu cầu của các gia đình, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức các hoạt động hè phong phú để các em có những ngày hè thật sự bổ ích.

Vào dịp hè, Thư viện tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến hấp dẫn của các em thiếu nhi. Với nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách thức tổ chức, Thư viện tỉnh đã trở thành một “sân chơi” bổ ích, đồng thời khơi dậy đam mê đọc sách, tìm hiểu thông tin qua sách cho các em. Phòng đọc tổng hợp được thiết kế hiện đại, rộng rãi, với không gian thoáng mát. Các giá sách được sắp xếp, bố trí thuận tiện, khoa học, giúp các em dễ dàng tìm được cuốn sách yêu thích.

Không chỉ được đọc sách miễn phí, Thư viện tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, thú vị như: hoạt động STEM, làm “chim thăng bằng”, làm tò he, sáng tạo cùng sợi dây; tổ chức sinh hoạt kỹ năng giao tiếp, ứng xử với mọi người, kỹ năng tự lập, đọc sách hiệu quả…; tô màu, vẽ tranh tự do theo sở thích; hoạt động tìm kiếm tài năng nhí; các trò chơi trí tuệ cờ vua, cờ tướng, rút gỗ…

Em Nguyễn Thuận Minh Bảo (10 tuổi, tại thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ, em thấy rất vui và thích thú khi đến Thư viện tỉnh, bởi ngoài đọc sách, em còn được tham gia trải nghiệm vẽ tranh Đông Hồ, giao lưu với nhiều bạn có cùng sở thích.

vna_potal_nhieu_hoat_dong_he_phong_phu_tai_dak_lak_7426585.jpg
Trẻ em được tham gia trải nghiệm vẽ và tô màu tranh Đông Hồ. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Bà Nguyễn Thị Thảo Quyên, Trưởng phòng nghiệp vụ, Thư viện tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ cuối tháng 5, Thư viện đã xây dựng kế hoạch hoạt động hè thiếu nhi. Với hoạt động xuyên suốt được tổ chức từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, bên cạnh được đọc sách với nhiều chủ đề khác nhau, thiếu nhi đến với Thư viện còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo mỹ thuật… Các hoạt động tổ chức trong dịp hè được miễn phí hoàn toàn, thu hút nhiều phụ huynh và thiếu nhi tham gia.

Đa dạng sân chơi

Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh Đắk Lắk cho biết, với mong muốn đem đến cho các em một mùa Hè sôi động, vui tươi, bổ ích, mới lạ, Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức trên 30 loại hình lớp học năng khiếu dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên như: hát, múa, hội họa, Anh văn giao tiếp, Học kỳ quân đội… Nhà văn hóa cũng lồng ghép các trò chơi nhóm; phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em… trong các hoạt động.

Dịp hè này, nhiều đơn vị trong tỉnh tổ chức các hoạt động cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Anh Phạm Minh Tuấn, người sáng lập Dự án “Thư viện mùa Xuân” và “Trường học cầu vồng” (thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ, hè này, nhóm của anh tổ chức 4 hoạt động hướng đến học sinh vùng xa như: tiếp tục đưa sách đến các điểm trường vùng sâu; thực hiện chương trình hoạt động trải nghiệm, cung cấp công cụ cho trẻ sáng tạo như: chơi lego, làm tranh từ lá cây…; xây dựng sân chơi cho trẻ. Bên cạnh đó, nhóm sẽ tổ chức nhiều chương trình tại các buôn và chiếu phim lưu động cho các em nhỏ tham gia.

“Trẻ em vùng xa rất thiếu điểm vui chơi, do đó trong 3 năm trở lại đây, nhóm đã xây dựng 37 sân chơi cho trẻ vùng sâu tại các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, ở vùng sâu còn thiếu các sản phẩm văn hóa nên chúng tôi đưa hoạt động chiếu phim lưu động gắn với các Dự án "Thư viện mùa Xuân" và "Trường học cầu vồng" tại các điểm trường vùng sâu”, anh Phạm Minh Tuấn thông tin thêm.

Nhằm tạo sân chơi bổ ích cho thiếu nhi, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội cũng đã chủ động xây dựng các phương án hoạt động hè. Anh Võ Tiến Tuấn Niê, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm nay, Hội đồng Đội tỉnh sẽ tập trung tổ chức các hoạt động, công trình, phần việc giảm thiểu tai nạn đuối nước như: tổ chức chương trình tập huấn, hoạt động trải nghiệm, trao tặng học bổng, công trình liên quan đến bơi và tặng áo phao... Ngày 2/6 vừa qua, thực hiện Ngày cao điểm Chiến sĩ tình nguyện “Hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn” năm 2024, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trong toàn tỉnh đồng loạt ra quân, triển khai thực hiện 32 lớp tập huấn phòng, chống đuối nước và dạy bơi miễn phí cho học sinh.

vna_potal_nhieu_hoat_dong_he_phong_phu_tai_dak_lak_7426584.jpg
Lớp học bơi miễn phí dịp hè cho học sinh tại Trường Tiểu học Chu Văn An, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Kỳ nghỉ hè đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp học sinh lấy lại năng lượng cho năm học mới. Sau một năm học tập căng thẳng và bận rộn, các em cần có thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi cả về thể chất và tinh thần. Việc đa dạng các hình thức, sân chơi cho trẻ sẽ là cơ hội giúp các em có thêm kỹ năng sống, niềm vui trong học tập.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm