Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê ở huyện Cư Kuin. Ảnh: tintaynguyen.com |
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường phổ biến, hướng dẫn áp dụng quy trình công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đến nhân dân, từ đó khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Hướng dẫn người dân áp dụng các hình thức tưới phù hợp với từng loại cây trồng, địa hình, loại đất, nguồn nước. Đồng thời, tiến hành rà soát, triển khai quy hoạch thủy lợi gắn với việc xem xét, chuyển nước, liên kết nguồn nước phục vụ việc tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất...
Theo ông Dũng, mặc dù công nghệ tưới tiến, tiết kiệm nước đem lại nhiều lợi ích trong phát triển ngành trồng trọt, tuy nhiên việc triển khai các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tại tỉnh Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn như: Nhận thức của người dân về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế; chi phí đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước khá cao (50-60 triệu đồng/1ha); trình độ và phong tục canh tác của nông dân chưa bắt kịp với yêu cầu của công nghệ; khó bảo quản thiết bị tưới do nương rẫy thường xa nhà ở; mạng lưới điện tại các khu vực trồng trọt còn khó khăn nên người dân chưa chủ động được nguồn điện sản xuất…
Theo đánh giá của Vụ khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Thủy lợi), Đắk Lắk là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên các diện tích cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su… Tuy nhiên, hiện nay diện tích cây trồng cạn được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm còn thấp so với tiềm năng, phát triển công nghệ tưới tiết kiệm còn chưa ổn định, làm giảm hiệu ứng lan tỏa. Do đó, muốn đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành trồng trọt cần áp dụng và nhân rộng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, mùa khô thường xuyên thiếu nước tưới cho các loại cây trồng.
Ông Nguyễn Như Hiến, Phó Văn phòng Cục trồng trọt khu vực phía Nam cho biết, các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cao su… tại Đắk Lắk đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, do đặc thù mùa khô thường thiếu nước tưới nên việc áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là xu thế tất yếu để phát triển bền vững ngành trồng trọt tại Đắk Lắk, đặc biệt đối với các cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao. Sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm không chỉ giúp nông dân tiết kiệm lượng nước, phân bón, nhân công trong sản xuất mà còn hỗ trợ nông dân chủ động thời điểm tưới, thời điểm bón phân, thời điểm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng với nhu cầu của từng loại cây trồng. Vì vậy, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm sẽ là xu thế phát triển trong trồng trọt để thích ứng với biến đổi khí hậu và đem lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Nhận thấy những lợi ích của công nghệ tưới tiết kiệm, năm 2017, ông Hoàng Đức Khóa, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đã đầu tư công nghệ tới nhỏ giọt trên 1 ha hồ tiêu của gia đình (chi phí đầu tư khoảng 60 triệu). Theo ông Khóa, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có hệ thống máy móc điều chỉnh lượng nước không chỉ tiết kiệm được lượng nước, giảm nhân công mà còn đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu nước cho cây trồng theo từng giai đoạn sinh trưởng. Hơn nữa, nông dân cũng chủ động trong khâu bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp năng suất cây trồng tăng cao và đặc biệt vào mùa khô không phải vất vả tìm nguồn nước tưới cho cây trồng.
Theo kế hoạch, đến năm 2020 tỉnh Đắk Lắk có 10.000 ha diện tích cây trồng chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau màu) trên cạn được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Tuấn Anh