Các y, bác sỹ Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk thăm khám cho bệnh nhi bị tay chân miệng. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN |
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2018 đến ngày 2/10, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 512 ca mắc tay chân miệng. Số ca mắc tay chân miệng được phát hiện ở cả 15 huyện, thị xã, thành phố với 14 ổ dịch. So với cùng kỳ năm 2017, tại Đắk Lắk số ca mắc bệnh tay chân miệng giảm 61%. Tuy nhiên số ca mắc tay chân miệng đang gia tăng mạnh trong thời gian gần đây do diễn biến thời tiết bất thường. Chỉ riêng trong tháng 9/2018, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 200 ca mắc tay chân miệng phải nhập viện.
Bác sỹ Nguyễn Văn Mỹ, Phó trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết, khoa Nhi tổng hợp của bệnh viện đang điều trị cho 44 trường hợp bị tay chân miệng, trong đó 5 ca thuộc nhóm IIB. Hiện nay, trung bình một ngày khoa Nhi tổng hợp của bệnh viện tiếp nhận thêm từ 12 đến 17 ca mắc tay chân miệng đến điều trị. Lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo đội ngũ y, bác sỹ tập trung chăm sóc, điều trị cho các ca tay chân miệng, đồng thời giám sát kỹ thời gian chuyển đổi bệnh từ nhóm I sang nhóm II để điều trị kịp thời, không để xảy ra tử vong.
Các y, bác sỹ Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk thăm khám cho bệnh nhi bị tay chân miệng. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN |
Theo bác sỹ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, trên 50% số ca mắc tay chân miệng tại tỉnh là do nhiễm chủng vi-rút EV71. Đây là chủng vi rút lây lan nhanh, gây sốt cao và có thể dẫn đến tử vong. Để ngăn chặn số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các Trung tâm y tế, bệnh viện các địa phương chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, phòng chữa trị bệnh tay chân miệng, tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh đến người dân; phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để từng ca bệnh, ổ dịch.
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo ngành Y tế tại các địa phương phối hợp chặt chẽ ngành Giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, vệ sinh môi trường, sát khuẩn đồ chơi của trẻ em tại trường học, nhà trẻ, xã, phường, thôn, buôn và hộ gia đình bằng dung dịch sát khuẩn, cho trẻ rửa tay bằng xà phòng. Đối với trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Phạm Cường