Đại hội XIII của Đảng: Tạo đà phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tuyên truyền Nghị quyết tới đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh; xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị thực hiện chương trình. Ban tham mưu xây dựng ban chỉ đạo cấp tỉnh và các cấp; phối hợp với các sở, ngành chức năng tiến hành khảo sát một số nội dung trình Chính phủ, Ủy ban Dân tộc Trung ương thực hiện 10 đề án trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dai hoi XIII cua Dang: Tao da phat trien kinh te-xa hoi vung dong bao dan toc thieu so va mien nui hinh anh 1 Người dân vùng trồng mía nguyên liệu thu hoạch mía. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chương trình nhân văn của Đảng và Chính phủ. Đây là cơ hội lớn để đồng bào dân tộc thiểu số có động lực, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội, có cuộc sống sung túc, đầy đủ.

Tỉnh Cao Bằng đã cụ thể các mục tiêu chương trình trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025. Tỉnh tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng; ổn định cuộc sống của đồng bào, giữ vững an ninh quốc phòng khu vực biên giới; tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số…

Dai hoi XIII cua Dang: Tao da phat trien kinh te-xa hoi vung dong bao dan toc thieu so va mien nui hinh anh 2Người dân vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) thu hoach lạc. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là mục tiêu quan trọng nhất. Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng, muốn nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh cần xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực, lan tỏa giúp bà con xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Tỉnh đang có một số dự án phát triển kinh tế - xã hội về phát triển cây dược liệu, chăn nuôi bò sữa… Đây là những dự án hứa hẹn tạo động lực phát triển cho tỉnh Cao Bằng nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nói riêng.

Bên cạnh đó, Cao Bằng xác định tránh đầu tư dàn trải. Các đề án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ gắn với các chương trình trọng tâm mà Tỉnh ủy đã xây dựng, ban hành; phối hợp với Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình đào tạo việc làm nông thôn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội... Các địa phương cần hướng sự phát triển kinh tếxã hội của đồng bào với thế mạnh phát triển kinh tế của từng vùng; huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong bối cảnh xuất phát điểm phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh còn thấp. Tỉnh còn nhiều vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa thiếu thốn về hạ tầng, việc làm; một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng không muốn thoát nghèo, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước…

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, tỉnh có nhiều giải pháp tổng thể, trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc có đủ năng lực, nhiệt tình, dám nghĩ dám làm là trọng tâm. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào nắm được chủ trương, đường lối, nội dung, mục tiêu của chương trình; tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước.

Chu Hiệu

Tin liên quan

Cao Bằng phấn đấu có thêm 5 xã về đích nông thôn mới trong năm 2021

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2021, tỉnh Cao Bằng phấn đấu có thêm 5 xã về đích nông thôn mới, gồm: Hồng Việt (huyện Hòa An), Trường Hà (huyện Hà Quảng), Đức Xuân (huyện Thạch An), Phúc Sen (huyện Quảng Hòa) và xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh).


Cao Bằng chăm lo, hỗ trợ đồng bào khu vực biên giới phát triển sản xuất

Cao Bằng là một tỉnh biên giới còn gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào ở tuyến biên giới vẫn còn cao. Những năm gần đây, nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đời sống của người dân ở những xóm mới vùng biên đang thay đổi tích cực. Đây là động lực để tỉnh Cao Bằng tiếp tục có những chính sách chăm lo hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống ở miền biên viễn.



Đề xuất