Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Tạo niềm vui, thu nhập cho mọi người là thi đua, yêu nước

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng hoa, chúc mừng các điển hình tiêu biểu tại Đại hội. Ảnh:Văn Điệp - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng hoa, chúc mừng các điển hình tiêu biểu tại Đại hội. Ảnh:Văn Điệp - TTXVN

Tinh thần yêu nước là sức mạnh tiềm tàng, rất mộc mạc trong mỗi người - làm cho tốt, đóng góp cho xã hội, tạo niềm vui, thu nhập cho mọi người, thì đó là thi đua, yêu nước - Đây là chia sẻ của kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua, "anh hùng của đồng ruộng", "cha đẻ" của giống gạo ngon nhất thế giới ST25 tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Tạo niềm vui, thu nhập cho mọi người là thi đua, yêu nước ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng hoa, chúc mừng các điển hình tiêu biểu tại Đại hội. Ảnh:Văn Điệp - TTXVN

Với chủ đề: "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", sáng 10/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X đã chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội. Tại Đại hội, một số đại biểu, điển hình tiên tiến đã tham gia giao lưu, chia sẻ những câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Hiện thực ước mơ của người nông dân Việt Nam

Vợ tôi chia tay tôi năm 2004 vì nghĩ tôi làm nghề này cực, kêu tôi bỏ nghề này nhưng tôi không chịu. Tôi luôn nghĩ làm nghề nào kiếm tiền cũng vất vả. Bản thân tôi còn không vất vả bằng những người nông dân làm dưới đồng ruộng, dưới sông, dưới suối hay như người tài xế chạy xe tất tả ngược xuôi. Làm cái gì cũng phải biết vượt qua khó khăn. Với tôi đã định làm gì thì cần phải quyết tâm để làm được, không được nản chí, còn phải giúp đỡ cho bà con dù biết phải vất vả. - ông Nguyễn Văn Rô (57 tuổi, ở Cái Nước, Cà Mau) chia sẻ tại Đại hội.

Chưa học hết lớp 5, nhưng với niềm đam mê sáng tạo, ông Nguyễn Văn Rô, người được mệnh danh là "kỹ sư chân đất" luôn tự hào khi chế tạo thành công 5 loại máy cày, trục đất tiết kiệm nguyên liệu phục vụ người dân. Chứng kiến những khó khăn của người dân về cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, ông Rô đã ấp ủ ý tưởng sáng chế máy cày. Năm 2014, ông chế tạo thành công máy cày đầm tôm công nghiệp trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Sau đó, ông Rô tiếp tục cho cho ra đời máy cày, trục đất vuông tôm (đất láng) và các sáng chế khác. Máy cày, trục đất vuông của ông Rô đã giúp nông dân địa phương cải tạo vuông nuôi, các vụ nuôi thường đạt hiệu quả cao. Từ đó, cuộc sống gia đình từng bước được cải thiện và đầy đủ hơn.

"Tuy lợi nhuận từ việc bán máy cày, trục đất không nhiều, nhưng đối với tôi đó là niềm vui vì đã giúp được bà con và thỏa lòng với đam mê", ông Rô nói và cho biết thêm, "tôi bán máy cày 17 triệu đồng nhưng cho bà con chỉ trả trước 5-6 triệu đồng, khi nào trúng vụ mùa thì trả nốt phần còn lại".

Cùng nỗi trăn trở với những khó khăn, vất vả và mong muốn hiện thực hóa ước mơ của người nông dân Việt Nam về một giống gạo chất lượng cao, đem lại mùa vàng bội thu, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng cộng sự đã dành tâm huyết vào nghiên cứu giống lúa thơm cao cấp, với kết quả là sự ra đời của loại gạo mang thương hiệu ST (Sóc Trăng) chinh phục đỉnh cao trong làng gạo ngon thế giới.

"Tôi sinh ra một gia đình nông dân truyền thống 3 đời. Từ nhỏ, tôi đã sống ở vùng quê nước mặn, quanh năm mùa màng thất bát. Nhìn thấy cảnh nông dân phải bán những vật dụng trong gia đình đi đổi thóc, tôi đặt ra câu hỏi: Tại sao người nông dân cứ phải thiếu đói như thế này. Câu hỏi đó in dấu ấn vào cuộc đời tôi. Xuất phát từ những suy nghĩ, câu hỏi đó, tôi bắt đầu nghiên cứu cải thiện cây lúa", kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ. "Công việc chúng tôi là vừa làm vừa học. Đến năm 2018, chúng tôi đã thành công khi tạo ra giống gạo ngon nhất thế giới".

Vào năm 2019, tại Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới tổ chức trong khuôn khổ hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines), với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh gạo quốc tế, Việt Nam cùng hàng trăm nhà xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới đã quy tụ về đây tranh tài. Thương hiệu gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.

Những thiên sứ giữa đời thường

"Không kịp ăn uống cũng chẳng kịp thay quần áo, vì người cần cứu thì nhiều, có gia đình chỉ toàn người già và trẻ nhỏ. Có ông cụ già đã gần 100 tuổi gọi điện cho tôi cầu cứu. Nhận những cuộc điện thoại như vậy, làm sao tôi nỡ chậm một giây một phút nào...", ông Võ Văn Bình (thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về những khoảnh khắc không thể nào quên khi ông và người cháu trai 14 tuổi của mình bất chấp hiểm nguy, cả ngày ngược xuôi vượt lũ dữ, cứu sống gần 100 người dân trong cơn đại hồng thủy lịch sử hồi tháng 10/2020.

Trong bộ comple đi mượn để dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X – cơn lũ hung dữ vừa qua đã cuốn trôi hết đồ dùng, quần áo của ông – ông Võ Văn Bình tâm sự: Nhận được cuộc gọi kêu cứu của người dân, hai ông cháu ông lật đật lên đò, chẳng kịp thu dọn đồ đạc, con đò tròng trành lao vút đi về nơi có những tiếng gọi thảng thốt. Tưởng là chỉ phải cứu một người nhưng điện thoại reo liên tục. Liên tiếp những tiếng kêu thất thanh trong tiếng nước sôi réo. Hai ông cháu cứ thế lăn lộn ngày đêm với lũ, cứu trợ an toàn gần 100 người dân…

Cả Hội trường như lặng đi khi chị Nguyễn Thị Luyến, một trong những người được ông Bình cứu nạn chia sẻ về những thời khắc hiểm nguy, "ngàn cân treo sợi tóc" khi hai mẹ con của chị may mắn thoát chết nhờ sự dung cảm, bất chấp hiểm nguy cứu người của ông cháu ông Bình. "Tôi chỉ nói một câu thôi: "Bác Bình là người rất bình thường nhưng rất anh hùng. Bác đã mang đến cho mẹ con tôi một cuộc sống thứ hai", chị Luyến xúc động nói.

Cùng là một "thiên sứ" giữa đời thường như ông Võ Văn Bình, nhưng Tiến sỹ, bác sỹ Trương Quang Định- Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh, người cùng kíp mổ hoàn thành ca đại phẫu thuật tách dính ca song sinh Trúc Nhi-Diệu Nhi, chỉ trìu mến nói rằng: "Đây là thành công bước đầu của không chỉ riêng tôi, mà là trí tuệ của 100 người trong êkip phẫu thuật".

Lời nói của bác sỹ Trương Quang Định dù khiêm tốn, giản dị như vậy nhưng ai cũng hiểu rằng, đây là ca đại phẫu phức tạp nhất Việt Nam khi trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Ca đại phẫu kéo dài nửa ngày và thu hút sự quan tâm của hàng triệu người dân trên khắp cả nước. Mọi người đều gửi lời cầu chúc điều tốt đẹp nhất đến với hai cháu bé, gia đình và đội ngũ y bác sỹ.

Từ thành công của ca đại phẫu, nhìn vào quá trình công tác và của một người thầy thuốc hết lòng vì nhân dân, Tiến sỹ, bác sỹ Trương Quang Định, đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020, với các thành tích hoàn thành ca phẫu thuật tách dính ca song sinh Trúc Nhi-Diệu Nhi (Ca đại phẫu tách rời cặp song sinh phức tạp nhất Việt Nam).

"Cả một êkíp 100 người có được một tiếng nói chung. Chúng ta làm bằng cái tâm, chuẩn bị bằng cái đầu. Tất cả những gì chúng ta gọi là ước mơ thì đều có thể chạm đến", bác sỹ Trương Quang Định nói. Đây cũng có lẽ lời nhắn nhủ chung mà những gương điển hình tiên tiến dự Đại hội gửi tới tất cả mọi người.


Việt Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm